.

EU gây áp lực với Nga

.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp khẩn cấp tại Brussels (Bỉ) để quyết định giải pháp đối phó với việc Nga triển khai quân ở bán đảo Crimea thuộc Ukraine.

Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk (trái) gặp gỡ Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy khi đến Brussels (Bỉ) tham dự hội nghị khẩn cấp của EU. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk (trái) gặp gỡ Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy khi đến Brussels (Bỉ) tham dự hội nghị khẩn cấp của EU. Ảnh: Reuters

Với hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 6-3, Nga đứng trước sức ép đáng kể. Một số thành viên của liên minh già cỗi này, nhất là ở Đông Âu, muốn “mạnh tay” với Nga. Thủ tướng Anh David Cameron bày tỏ hy vọng với sự liên kết của Đức, Ba Lan và các nước Đông Âu, ông có thể thuyết phục các đối tác khác bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin “phải trả giá cho hành động xâm chiếm Crimea”, mặc dù Mátxcơva kiên quyết bác bỏ cáo buộc này.

Tuy nhiên, các nước khác - dẫn đầu là Thủ tướng Đức Angela Merkel - muốn hòa giải. Bà Merkel tin rằng, hòa giải là cách tốt nhất để tháo gỡ cuộc khủng hoảng đang leo thang. Bà cũng lo lắng việc tiến hành các bước đi cứng rắn có thể hủy hoại những nỗ lực khởi động đối thoại giữa Nga và Ukraine. Còn Mỹ, theo Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, cường quốc hàng đầu thế giới sẽ thúc đẩy hợp tác quân sự với Ba Lan và các nước vùng Baltic để tăng cường sự ủng hộ của các đồng minh sau khi Nga can thiệp vào Ukraine. Ngoài ra, Washington cũng sẵn sàng áp đặt cấm vận trong vài ngày tới như lệnh cấm visa, “đóng băng” tài sản của các quan chức Nga và hạn chế quan hệ thương mại...

 “Đóng băng” tài sản của 18 cựu quan chức Ukraine

Ngay khi nhóm họp, EU “phản pháo” bằng tuyên bố “đóng băng” tài sản của 18 cựu quan chức Ukraine, trong đó có Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych - hiện được cho là ẩn náu ở Nga, cùng con trai của ông là Oleksandr và cựu Thủ tướng Mykola Azarov - người bị nghi ngờ vi phạm nhân quyền, lạm dụng ngân quỹ.

Reuters dẫn lời tân Thủ tướng Arseny Yatseniuk nói rằng, ông Yanukovych đã biển thủ khoảng 37 tỷ USD trong 3 năm nắm quyền. “Việc “đóng băng” tài sản của ông Yanukovych có liên quan đến việc biển thủ công quỹ của Ukraine và việc đi lại bất hợp pháp bên ngoài Ukraine”, tuyên bố của EU nêu rõ.

Các nhà phân tích cho rằng, hội nghị thượng đỉnh EU chỉ đưa ra các giải pháp mang tính biểu tượng chống lại Nga - nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của EU. Bởi lẽ, nhiều nước thuộc liên minh gồm 28 thành viên này muốn theo đuổi con đường ngoại giao để tháo gỡ căng thẳng ở Ukraine, hơn là muốn một cuộc chiến tranh thương mại “ăn miếng trả miếng” với Nga. Pháp có một thỏa thuận bán các tàu chiến cho Nga và đến nay Paris không có kế hoạch hoãn hợp đồng này. Ngoài ra, các ngân hàng ở London (Anh) cũng hưởng lợi từ đầu tư của Nga. Các công ty của Đức cũng có 22 tỷ USD do Mátxcơva đầu tư.

Theo Reuters, Nga vẫn hé mở cánh cửa ngoại giao. Mátxcơva thông báo về cuộc gặp gỡ với các nước cựu Xô viết thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), trong đó có Ukraine vào ngày 4-4 tới. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định nếu phương Tây tìm kiếm sự hỗ trợ của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) cùng NATO thì sẽ không giúp gì cho việc đối thoại. Tại thủ đô Paris của Pháp, ngày 5-3, ông Lavrov từ chối nghị sự với Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchitsya bởi Mátxcơva không công nhận chính phủ mới của quốc gia này. Thậm chí, khi rời trụ sở Bộ Ngoại giao Pháp, được hỏi có gặp người đồng cấp Ukraine không, ông Lavrov hỏi lại: “Ông ấy là ai?”.

Nghị viện Crimea bỏ phiếu sáp nhập Nga

Ngày 6-3, Nghị viện Crimea bỏ phiếu thống nhất trở thành một phần thuộc Liên bang Nga. Chính quyền thân Mátxcơva ở Crimea đã yêu cầu Tổng thống Putin cho phép vùng lãnh thổ tự trị này gia nhập Liên bang Nga và đề nghị này sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân vào ngày 16-3 tới. “Đây là phản ứng của chúng tôi đối với tình trạng rối loạn và vô luật pháp ở Crimea. Chúng tôi sẽ tự quyết định tương lai của mình”, Sergei Shuvainikov - thành viên Nghị viện nói.

Với dân số khoảng 2 triệu người, trong đó hầu hết là người Nga, Crimea trở thành tâm điểm của căng thẳng chính trị sau khi ông Yanukovych bị lật đổ. Reuters cho rằng, động thái bất ngờ của Nghị viện Crimea đưa bán đảo này thuộc quyền kiểm soát của Nga, trong lúc EU vẫn loay hoay gây áp lực bắt Mátxcơva lùi bước và chấp nhận hòa giải. Tuyên bố trên vẫn phải chờ sự phê chuẩn của ông Putin nhưng có thể làm sự đối đầu giữa phía đông và phía tây Ukraine trở nên nghiêm trọng nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay.

Một ngày trước đó, Thủ tướng Arseny Yatseniuk khẳng định: Crimea sẽ vẫn là của Ukraine. Nay chính phủ Ukraine nói rằng, sẽ là vi hiến nếu Crimea sáp nhập Nga và cuộc trưng cầu dân ý là bất hợp pháp. Kiev cũng tiến hành điều tra hình sự đối với Thủ tướng Crimea Sergei Askyonov, người vừa được Nghị viện nước cộng hòa tự trị này bổ nhiệm hồi tuần trước.

Theo một quan chức Nghị viện Crimea, trong cuộc trưng cầu dân ý, cử tri sẽ trả lời 2 câu hỏi: bán đảo này có nên thuộc Liên bang Nga hay không và có nên trở về hiến pháp trước đây (năm 1992) hay không.

Reuters cho biết, căng thẳng gia tăng trong ngày 6-3 tại Crimea khi đặc sứ cấp cao của LHQ Robert Serry bị một đám đông thân Nga bao vây, đe dọa và buộc phải trở lại máy bay để rời khỏi Ukraine. Ông Serry được Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon phái đến bán đảo vùng Biển Đen nhưng sau khi đến thăm căn cứ hải quân Ukraine tại thủ phủ Simferopol, ông “chạm trán” với một nhóm người được trang bị vũ trang.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.