.

EU "mạnh tay" với Nga

.

Liên minh châu Âu (EU) đang thúc đẩy các biện pháp trừng phạt Nga sau khi bán đảo Crimea ly khai khỏi Ukraine.

Các binh sĩ Ukraine mang hành lý rời căn cứ không quân Belbek, bên ngoài thành phố Sevastopol (Crimea) ngày 20-3. Hàng ngàn binh sĩ Ukraine hiện bị kẹt lại các căn cứ quân sự ở Crimea.  				                                        Ảnh: AP
Các binh sĩ Ukraine mang hành lý rời căn cứ không quân Belbek, bên ngoài thành phố Sevastopol (Crimea) ngày 20-3. Hàng ngàn binh sĩ Ukraine hiện bị kẹt lại các căn cứ quân sự ở Crimea. Ảnh: AP

Ngày 20-3, phát biểu tại Quốc hội Đức trước khi đến Brussels (Bỉ) tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU, Thủ tướng Angela Merkel nhấn mạnh: Nga sẽ bị liên minh này trừng phạt hơn nữa nếu không có các động thái tháo gỡ khủng hoảng ở Crimea. Bà Merkel cũng khẳng định Hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển (G8), do Nga chủ trì tại Sochi vào tháng 6 tới, sẽ bị hoãn vô thời hạn.

Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 20 và 21-3 được cho là diễn đàn để các nhà lãnh đạo châu lục già cỗi bàn thảo cách thức chống Nga, trong đó có việc thêm vào “danh sách đen” những cá nhân bị “đóng băng” tài sản và bị cấm visa. EU cũng ủng hộ Ukraine khắc phục nền kinh tế yếu kém, đồng thời tìm cách giảm phụ thuộc vào dầu thô và khí đốt của Nga trong những năm tới.

Theo Thủ tướng Đức, EU sẵn sàng gia tăng các biện pháp trừng phạt ở “cấp độ 2” lên “cấp độ 3” nếu tình hình trở nên xấu đi, cụ thể sẽ nhằm vào kinh tế của Nga, điều mà nhiều quan chức Mátxcơva cũng như giới quan sát lo ngại. AP nhận định phát biểu của bà Merkel là thông điệp cứng rắn, bất chấp Đức có giao dịch thương mại đáng kể với Nga. Những gì mà bà Merkel tuyên bố cũng minh chứng cuộc đối đầu đang gay gắt giữa Nga với Mỹ và châu Âu, mặc dù Tư lệnh hải quân Ukraine Sergei Haiduk đã được phóng thích sau khi bị lực lượng Nga và các chiến binh địa phương ở Crimea bắt giữ chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Việc phóng thích được thực hiện theo lời kêu gọi của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.

Thực tế, 28 lãnh đạo của các thành viên thuộc EU đã muốn trừng phạt Nga ngay khi họ nhóm họp vào đầu tháng 3 này. Điều kiện được đưa ra lúc đó là: Sẽ áp đặt hạn chế tài chính nếu Nga có “bất kỳ bước đi nào gây bất ổn ở Ukraine”.

Trong lúc đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, tiến trình pháp lý để Crimea trở về “đất mẹ” sẽ được toàn tất trong tuần này. Tối 20-3, Hạ viện Nga phê chuẩn Hiệp ước sáp nhập Crimea và Thượng viện dự kiến phê chuẩn vào hôm nay. Ông Lavrov chỉ trích phương Tây đang tìm cách bảo vệ lợi ích riêng của mình, hơn là tuân thủ luật pháp quốc tế. “Mátxcơva sẽ tiếp tục sử dụng các phương thức chính trị, ngoại giao và pháp lý để bảo vệ công dân Nga ở nước ngoài”, ông Lavrov nói. Mátxcơva cũng cáo buộc các nhà chức trách thân phương Tây của chính phủ Kiev đang gây nguy hiểm cho những người dân nói tiếng Nga ở phía đông Ukraine. Còn Kiev vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình. Nghị quyết vừa được Quốc hội nước này thông qua tuyên bố sẽ đấu tranh để giải phóng Crimea và không bao giờ công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo có 2 triệu dân sinh sống.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 20-3 cũng có chuyến công cán đến Mátxcơva và hôm nay (21-3) sẽ đến thủ đô Kiev của Ukraine. Không đưa ra quan điểm rõ ràng, ông Ban Ki-moon chỉ kêu gọi giải pháp tháo gỡ khủng hoảng bằng việc tuân theo Hiến chương LHQ.

Vấn đề đặt ra là không phải là Nga bị thiệt hại do chính sách cấm vận mà châu Âu cũng đối mặt với thách thức địa chính trị khi cố giảm phụ thuộc vào năng lượng của Mátxcơva. Để làm được điều này, các nhà lãnh đạo EU phải tự đa dạng hóa các nguồn cung cấp, sử dụng nhiều hơn năng lượng gió và mặt trời, tiến hành thăm dò dầu khí ở trong nước, nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ và châu Âu. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, hằng năm nhập 40% khí đốt từ Nga, đang tìm cách chuyển từ năng lượng hạt nhân sang năng lượng tái tạo.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.