.

"Giờ quyết định" của Thủ tướng Yingluck

.

Cuộc bầu cử Thượng viện ngày 30-3 là phép thử quan trọng đối với chính phủ đang gặp quá nhiều phiền toái của Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra.

Tuần hành chống chính phủ diễn ra rầm rộ ở Bangkok vào ngày 29-3.         Ảnh: EFE/EPA
Tuần hành chống chính phủ diễn ra rầm rộ ở Bangkok vào ngày 29-3. Ảnh: EFE/EPA

Điều đáng nói là cuộc bầu cử Thượng viện chỉ diễn ra trước một ngày bà Yingluck phải tự bảo vệ mình xung quanh những cáo buộc liên quan đến chương trình trợ giá gạo. Và hôm nay (31-3) cũng là hạn cuối để nữ Thủ tướng tạm quyền thuyết phục Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (NACC) rút lại những cáo buộc. Nếu không, bà sẽ bị truy tố, bị luận tội, và hiển nhiên chiếc ghế Thủ tướng tạm quyền khó có thể giữ được. Thậm chí, bà có thể bị cấm tham gia chính trị trong 5 năm tới. NACC cho rằng, bà Yingluck đã thiếu trách nhiệm trong quá trình triển khai chính sách trợ giá gạo, gây thiệt hại về kinh tế cho đất nước.

Theo thông báo của Ủy ban bầu cử (EC), có 457 ứng cử viên tranh cử 150 ghế, trong đó có 18 ứng cử viên chạy đua vào một ghế ở thủ đô Bangkok. 77 thượng nghị sĩ được bầu đại diện cho 77 tỉnh, thành phố; 73 người khác được một ủy ban gồm đại diện các cơ quan độc lập của Thái Lan bổ nhiệm, như NACC, Tòa án Hiến pháp, EC, Ủy ban Kiểm toán Nhà nước… Thượng viện Thái Lan là cơ quan không đảng phái, nhưng thực tế hai lực lượng - hai đảng đối lập chính đang chạy đua giành quyền kiểm soát cơ quan lập pháp này. Trong khi đó, Hạ viện không thể hoạt động sau cuộc bầu cử hồi tháng 2 vừa qua thất bại do bị phe đối lập “tẩy chay”.

Theo đánh giá của Phó Thư ký EC Suthep Promvas, bầu cử ngày 30-3 diễn ra khá thuận lợi. Những người biểu tình chống chính phủ từng làm gián đoạn cuộc bỏ phiếu hồi tháng trước tuyên bố không ngăn cản cuộc bầu cử Thượng viện. Xét cho cùng, cuộc bỏ phiếu lần này đúng với mong muốn của phe biểu tình chống chính phủ, bởi họ đòi hỏi sự cải cách về hành pháp, lập pháp trước khi bắt đầu tổng tuyển cử.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến xung quanh việc phế truất bà Yingluck. Có quan điểm rằng, dẫu phe biểu tình muốn “mượn” chương trình trợ giá gạo để lật đổ nữ Thủ tướng nhưng cũng không dễ dàng, bởi để phế truất bà thì cần đến lá phiếu của 3/5 số thượng nghị sĩ. Reuters lại nhận định: Bầu cử Thượng viện với đa số trong 77 ghế sẽ được bổ nhiệm dựa vào các địa phương, đặc biệt ở khu vực nông thôn, thì bà Yingluck sẽ chiếm ưu thế. Và rốt cuộc, một Thượng viện được bầu sẽ gồm những người thân chính phủ. “Bầu cử Thượng viện có thể cho kết quả tương tự cuộc bầu cử ngày 2-2, nghĩa là sẽ bầu ra một lực lượng thân chính phủ”, nhà phân tích chính trị Kan Yuenyong tại đơn vị Tình báo Siam nói.

Với những gì đang diễn ra, khủng hoảng chính trị ở Thái Lan vẫn chưa thật sự có lối thoát. Sự chia rẽ xã hội vẫn sâu sắc, giữa một bên là tầng lớp trung lưu và phe bảo hoàng với hầu hết người nghèo, những người ủng hộ dòng họ Shinawatra ở vùng nông thôn. Các quan chức bầu cử nói rằng, cần ít nhất 3 tháng để tổ chức một cuộc bầu cử mới. Song, khó có thể có được một cuộc tổng tuyển cử suôn sẻ. Những người biểu tình đã cam kết phá hoại bất kỳ cuộc tổng tuyển cử nào trước khi những yêu cầu chính trị của họ được đáp ứng.

Thách thức của phe đối lập không đơn thuần chỉ là cảnh báo. Và tuyên bố “không khoanh tay ngồi yên” của phe áo đỏ ủng hộ chính phủ cũng không phải là lời nói suôn, bởi họ có kế hoạch tuần hành quy mô lớn vào ngày 5-4. Cuộc đụng độ giữa hai lực lượng nếu xảy ra sẽ càng đẩy Thái Lan vào khủng hoảng.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.