Bất chấp những khác biệt, cả Mỹ lẫn Nga đều hàm ý rằng, hai cường quốc này đều muốn đối thoại trong vấn đề khủng hoảng ở Ukraine.
Lực lượng Nga phong tỏa lối ra vào một đơn vị của Ukraine tại thành phố Kerch, bán đảo Crimea. Ảnh: AFP |
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov gặp gỡ “mặt đối mặt” lần đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng leo thang ở Ukraine. Cuộc gặp gỡ diễn ra ngày 5-3 tại thủ đô Paris của Pháp, sau một hội nghị có sự tham dự của cả 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.
Reuters cho biết, hội đàm giữa hai Ngoại trưởng Mỹ và Nga hướng đến việc tháo gỡ căng thẳng giữa phía đông và phía tây ở Ukraine, trong lúc phương Tây gia tăng sức ép buộc Mátxcơva phải rút quân khỏi bán đảo Crimea, đồng thời ngăn chặn nguy cơ chiến tranh.
Mỹ cáo buộc Nga triển khai quân ở Crimea và mô tả đây là “hành động khiêu khích”, nhưng Điện Kremlin bác bỏ điều này. Tổng thống Barack Obama nói rằng, Nga có những lợi ích hợp pháp ở Ukraine nhưng chính phủ của ông không cho Tổng thống Vladimir Putin quyền can thiệp quân sự vào quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ. Ông Obama hối thúc Nga đưa quân đội ở Crimea về lại doanh trại và thành lập một phái bộ giám sát tại đây. Song, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định Mátxcơva không thể ra lệnh cho các nhóm vũ trang thân Nga ở Crimea trở về căn cứ, bởi họ không phải là binh sĩ Nga. Trong khi đó, ông Putin vẫn bảo vệ quyền được dùng vũ lực ở Ukraine và từ chối công nhận chính phủ mới của Ukraine sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ. Vì vậy, giới quan sát đặt dấu hỏi về khả năng thành công của đàm phán Mỹ - Nga khi giữa hai nước có quá nhiều bất đồng và khác biệt trong vấn đề Ukraine.
Ngày 5-3, các thành viên Hạ viện Nga nói với hãng RIA Novosti rằng, họ đưa ra một dự luật, theo đó sẽ “đóng băng” tài sản của các công ty châu Âu và Mỹ - các đơn vị hợp tác làm ăn với Nga, nhằm “trả đũa” bất kỳ biện pháp trừng phạt nào nhằm vào Mátxcơva. |
Theo Reuters, hôm nay (6-3), NATO và Nga cũng sẽ tổ chức đàm phán tại Brussels (Bỉ). Trong lúc đó, có những quan ngại rằng, căng thẳng giữa các binh sĩ Nga và Ukraine vẫn châm ngòi cho bạo lực, hoặc Điện Kremlin cũng có thể can thiệp vào khu vực nói tiếng Nga ở phía đông Ukraine. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho hay, cuộc họp ở Brussels sẽ quyết định các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Tổng thống Pháp Francois Hollande là nhà lãnh đạo phương Tây mới nhất đặt ra việc gia tăng khả năng trừng phạt nếu ông Putin không chịu lùi bước và chấp nhận đàm phán. Riêng Thủ tướng Đức Angela Merkel đến nay vẫn tránh nói đến việc cấm vận Nga. Bởi lẽ, bà Merkel có mối quan hệ tốt với ông Putin và Berlin là đối tác kinh tế lớn nhất của Mátxcơva.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói rằng, các nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, Ukraine, Mỹ, Anh và Pháp cũng có mặt ở Paris để tìm giải pháp chấm dứt khủng hoảng ở Ukraine. Thực tế, các đặc sứ của những quốc gia nói trên không cần thiết cùng ngồi vào bàn nghị sự. Nhưng theo ông Fabius, các bên “làm việc không ngừng nghỉ để hướng tới giải pháp ngoại giao”.
Đến Paris với kỳ vọng nhận được sự hỗ trợ của phương Tây, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Deshchytsia mang theo thông điệp về một giải pháp hòa bình gửi Nga. “Chúng tôi muốn giữ đối thoại tốt và quan hệ tốt với người Nga. Chúng tôi muốn giải quyết cuộc xung đột này trong hòa bình và không muốn đối đầu với người Nga”, Ngoại trưởng Deshchytsia nói.
Tuy nhiên, tại thủ đô Kiev, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk chỉ trích việc Nga triển khai quân ở Crimea và cho rằng, hành động này tác động “vô cùng tiêu cực” đến nền kinh tế của đất nước có 46 triệu dân. Ông Yatseniuk không nói thêm chi tiết, nhưng chính phủ mới của ông đang thương thảo với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để được hỗ trợ và tránh vỡ nợ.
Việt Nam quan tâm và mong muốn Ukraine sớm ổn định Ngày 5-3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam trước những diễn biến vừa qua tại Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết Việt Nam quan tâm theo dõi chặt chẽ tình hình tại Ukraine và mong muốn Ukraine sớm ổn định. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam quan tâm theo dõi chặt chẽ tình hình tại Ukraine và mong muốn Ukraine sớm ổn định, mọi vấn đề được giải quyết trong khuôn khổ pháp luật, vì lợi ích của nhân dân Ukraine, vì hòa bình, phát triển tại khu vực và trên thế giới”. “Việt Nam hết sức quan tâm và đề nghị Ukraine có các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn tính mạng và tài sản cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm ăn tại Ukraine,” ông Lê Hải Bình nói. TTXVN |
THIÊN BÌNH