.
Khủng hoảng Ukraine

EU tìm cách "phá băng"

.

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở Brussles (Bỉ) được xem là động thái để châu lục này tìm cách “phá băng” trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Song, chính Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận việc tách Crimea khỏi Nga là điều không dễ.

Lực lượng hải quân Nga cùng hạm đội “Suzdalets” ASW ở thành phố Sevastopol, Crimea.                  Ảnh: AFP
Lực lượng hải quân Nga cùng hạm đội “Suzdalets” ASW ở thành phố Sevastopol, Crimea. Ảnh: AFP

Ngày 26-3, Tổng thống Mỹ Barack Obama đến trụ sở EU tại Brussels để dự hội nghị thượng đỉnh EU, chặng dừng chân đầu tiên của ông trước khi đến Ý. Đây là chuyến công du châu Âu quan trọng nhất của một Tổng thống Mỹ trong nhiều năm qua bởi vấn đề Ukraine đang “nóng” giữa hai bờ đại dương. An ninh được thắt chặt tại thủ đô nước Bỉ với 800 nhân viên cảnh sát hiện diện trên đường phố Brussels, nhất là tại các khu vực gần trụ sở EU và khách sạn ông Obama ở.

AFP dẫn lời một quan chức cấp cao EU nói rằng, đây là lần đầu tiên hội nghị thượng đỉnh của liên minh diễn ra ở Brussels, chứ không phải ở Washington, cũng không phải ở bất kỳ nơi nào khác. Giới phân tích đều cho rằng, các cuộc trao đổi giữa Tổng thống Obama với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cũng như với các nhà lãnh đạo khác đều tập trung vào cuộc khủng hoảng Ukraine, hay tầm quan trọng của an ninh châu Âu, nhằm “bắt tay” thật chặt các đối tác, sau khi thất bại trong cuộc tranh giành bán đảo Crimea.  

Tổng thống Obama sẽ gặp gỡ Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen, người từng chỉ trích việc Nga can thiệp vào Ukraine là “mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh châu Âu kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh”. Tuy vẫn chú trọng việc Crimea - khu vực tự trị của Ukraine trước đây - nay trở thành một phần của Nga, nhưng ông Obama không có cách nào khác để thay đổi tình hình. Tại Hà Lan, chính ông đã thừa nhận rằng, hiện không thể tách bán đảo Crimea khỏi Nga. Theo ông, Nga sẽ không bao giờ từ bỏ quyền kiểm soát đối với Crimea và những tuyên bố chỉ trích của phương Tây nhằm vào Tổng thống Vladimir Putin không mấy tác dụng. Tuần trước, các nước EU cũng thống nhất thúc đẩy khẩn cấp các biện pháp nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn dầu khí của Nga.

Lần này, Tổng thống Obama mang theo thông điệp đến Brussels: củng cố cam kết mà ông đã nhận được từ các đồng minh lúc ở Hà Lan, đồng thời tái khẳng định với các nước Đông Âu, thành viên NATO rằng liên minh sẽ sát cánh bên họ và làm điểm tựa lớn về an ninh châu Âu.

Trong một động thái mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga, EU sẽ cấm cửa mọi công dân Crimea mang hộ chiếu Nga và chỉ cấp thị thực cho người Crimea mang hộ chiếu Ukraine tại các cơ quan ngoại giao châu Âu trên lãnh thổ Ukraine.

Trong khi đó, căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục gia tăng, thậm chí lên đến mức chưa từng có. Tư lệnh quân đội Nga Valery Gerasimov nói rằng, quốc kỳ nước ông đã tung bay trên khắp các cơ sở quân sự ở Crimea. Đương nhiên, chính phủ Kiev chẳng “vừa mắt” với những hình ảnh này. Nga cáo buộc các quan chức Ukraine cấm phi hành đoàn của các hãng hàng không thương mại Mátxcơva rời khỏi máy bay của họ khi đáp xuống sân bay của Kiev. Theo Bộ Ngoại giao Nga, quyết định nói trên vi phạm luật quốc tế và đặt ra mối đe dọa đối với an toàn hàng không dân dụng.

WB cảnh báo Nga

Ngày 26-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo nền kinh tế của Nga có thể giảm sút trong năm nay (giảm 1,8%) nếu nước này chịu thêm các biện pháp cấm vận của Mỹ và châu Âu xung quanh vấn đề Crimea.

Đến nay, các biện pháp trừng phạt chưa tác động đến những lợi ích kinh tế của Nga. Mỹ và EU mới cấm visa và “đóng băng” tài khoản của các quan chức Nga, những người thân cận với Tổng thống Vladimir Putin. Năm ngoái, tăng trưởng của Nga đạt 1,3%, mức tăng trưởng thấp nhất trong 13 năm qua.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.