Nỗi đau của người thân hành khách trên máy bay MH370 sau khi nghe thông báo từ quan chức Malaysia, tại Bắc Kinh ngày 24-3. Ảnh: Getty |
Cho dù Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã thông báo chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines kết thúc tại Nam Ấn Độ Dương và không có ai sống sót, song nhà chức trách vẫn chưa thể đưa ra kết luận về nguyên nhân dẫn tới tai nạn thảm khốc này.
Tuy nhiên, tờ Telegraph của Anh đã dẫn một nguồn tin thân cận với cơ quan điều tra cho biết giới chức đang nghiêng về khả năng máy bay rơi do phi công đã tự sát. Nguồn tin nói rằng không có dấu hiệu xảy ra sự cố động cơ hay xảy ra cháy trên khoang.
Độ khả tín của nguồn tin này vẫn chưa được xác định, nhưng Thủ tướng Malaysia đã thông báo về số phận của MH370 sau khi nhận được thông báo từ Đơn vị điều tra tai nạn hàng không của Vương quốc Anh.
Việc chưa có một bằng chứng lớn nào về chuyến bay mất tích MH370 đã dẫn đến nhiều lời đồn đoán và nó tiếp tục xát muối vào nỗi đau của các gia đình hành khách trên chuyến bay xấu số.
Giới chức Malaysia trước đó mới chỉ kết luận rằng máy bay đã bị ai đó chuyển hướng một cách có chủ ý, quay đầu sang phía Eo biển Malacca trước khi bay tới hành lang phía Nam Ấn Độ Dương.
Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết, cảnh sát đã thẩm vấn khoảng hơn 100 người, gồm cả gia đình cơ trưởng và cơ phó.
Trong ngày 24-3, Malaysia cũng tiết lộ cơ phó Fariq Abdul Hamid lần đầu bay Boeing 777 mà không có người giám sát.
Ngày 25-3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đã yêu cầu Malaysia cung cấp tất cả thông tin và bằng chứng về chiếc máy bay mất tích mang số hiệu MH370 của hãng Malaysia Airlines sau khi Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak tuyên bố máy bay này đã rơi xuống Nam Ấn Độ Dương. Theo Reuters, thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ rõ: "Trung Quốc đã được phía Malaysia thông tin về thông báo này và chúng tôi đang hết sức quan tâm. Trung Quốc cũng đã đề nghị Malaysia cung cấp thêm mọi thông tin và bằng chứng về cách thức mà nước này đưa ra được kết luận trên.” |
Hiện kịch bản được nhắc tới nhiều nhất là máy bay bị đánh cắp, do phi công phá hoại hoặc đã xảy ra cuộc khủng hoảng trên không và máy bay được đặt chế độ bay tự động cho tới khi cạn nhiêu liệu và đâm xuống biển.
Chính vì thế, việc truy tìm chiếc hộp đen của máy bay giờ có ý nghĩa rất quan trọng để xác định xem nguyên nhân đích xác vì sao chiếc máy bay rơi.
Trong vụ tai nạn máy bay thảm khốc gần nhất của hãng Air France năm 2009, phải mất tới hai năm người ta mới vớt được hộp đen ở Đại Tây Dương trước khi đưa tới kết luận về tai nạn.
Hải quân Mỹ ngày 25-3 đã gửi một đội ngũ chuyên gia cùng thiết bị dò tìm hộp đen có tên Bluefin 21 tới vùng biển mà vệ tinh phát hiện nhiều mảnh vỡ ngoài khơi Australia.
Hải quân Mỹ cho biết, thiết bị dò tìm tự động Bluefin 21 được gửi tới Nam Ấn Độ dương có thể hoạt động dưới độ sâu lên tới 20.000 ft (6.060 m), trong khi khu vực dò tìm mà Australia dẫn đầu chỉ sâu khoảng 3.000-4000m.
Bluefin 21 có thể thu về hình ảnh có độ phân giải cao dưới đáy đại dương và hoạt động trong khoảng thời gian lên tới 25 giờ đồng hồ. Thiết bị này trông giống như một quả ngư lôi, có tốc độ di chuyển 4,5 hải lý/giờ.
Hình ảnh cuối cùng về chiếc máy bay mang số hiệu MH370 trên bầu trời trước khi mất tích (Nguồn: DM) |
“Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear đã thực hiện một quyết định rất thận trọng và khôn ngoan để di chuyển các thiết bị có thể có ích tới khu vực có các mảnh vỡ, có thể gần vị trí của chiếc hộp đen," phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, Chuẩn Đô đốc John Kirby nói với các phóng viên.
Theo AFP, các tín hiệu từ hộp đen trong vòng 30 ngày sẽ không thể phát đi trong khoảng thời gian dưới 2 tuần.
Trước đó, Australia cho biết đã phát hiện được nhiều mảnh vỡ ở vùng biển cách Perth 2500km về phía Tây Nam. Đội tìm kiếm gồm 10 máy bay của Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản và Australia đã tham gia cuộc tìm kiếm này.
Vietnam+