.

Mỹ - Nga đối đầu

.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng, các nhà lãnh đạo thế giới đang chuẩn bị cô lập Nga khi Mátxcơva triển khai quân đội tại bán đảo Crimea của Ukraine.

Các binh sĩ được cho là lực lượng Nga hiện diện gần Simferopol, thủ phủ của Crimea ngày 3-3. 							                          Ảnh: AFP
Các binh sĩ được cho là lực lượng Nga hiện diện gần Simferopol, thủ phủ của Crimea ngày 3-3. Ảnh: AFP

Mỹ và các đồng minh đang cân nhắc trừng phạt Nga và thắt chặt phòng vệ ở châu Âu, cụ thể là tại Ba Lan và CH Czech, để đối phó với việc quân đội Mátxcơva hiện diện tại Crimea. AP cho biết, không có dấu hiệu gì cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin để ý đến cảnh báo của phương Tây. Ngày 3-3, hàng trăm người trang bị vũ khí được cho là binh sĩ Nga vây quanh căn cứ quân sự của Ukraine tại Crimea.

Cũng theo AP, Nga tập trung xe bọc thép tại gần một bến phà ở eo biển Kerch, vùng biển chia tách rìa phía Đông của bán đảo Crimea và rìa phía Tây của bán đảo Taman. Điều này càng làm Mỹ và phương Tây quan ngại Mátxcơva sẽ đưa thêm quân vào khu vực Biển Đen chiến lược này.

Trong khi đó, ở thủ đô Kiev, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk cho rằng, không có lý do gì để Nga xâm chiếm Ukraine, đồng thời cảnh báo các đồng minh: “Chúng ta đang bên bờ thảm họa”.

Các quan chức chính phủ Tổng thống Barack Obama tin rằng, Nga hiện hoàn toàn kiểm soát Crimea và có hơn 6.000 binh sĩ tại đây. Mỹ cũng đang quan sát chặt chẽ các cuộc xung đột sắc tộc ở những khu vực tại phía đông Ukraine mặc dù không hề có bóng dáng quân đội Nga ở những nơi khác, ngoài Crimea. Ngoại trưởng John Kerry cho hay, ông đã tham vấn các nhà lãnh đạo thế giới và tất cả đều cam kết hành động để cô lập về ngoại giao đối với Nga. Ông Kerry dự kiến đến Kiev vào ngày 4-3 để gặp gỡ tân chính phủ Ukraine.

G7 lên tiếng

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew, Washington sẵn sàng phối hợp với các nước khác và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hỗ trợ về kinh tế cho Kiev. Bộ trưởng Tài chính các nước nhóm G7 (gồm Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản) cũng hứa “ném phao cứu sinh” cho Ukraine nếu chính phủ mới Kiev đồng ý theo đuổi cải cách kinh tế. Chưa rõ đất nước có 46 triệu dân này sẽ lựa chọn hướng đi như thế nào để cứu vãn “con tàu kinh tế” đang bị đắm. Bởi lẽ, Kiev cần có 35 tỷ USD trong vòng 2 năm tới để giải quyết bài toán kinh tế. Thực tế, khu vực phía tây của Ukraine muốn xích lại gần Liên minh châu Âu (EU) gồm 28 thành viên, còn các khu vực phía đông và nam như bán đảo Crimea vẫn hướng đến sự hỗ trợ của Nga.

Song, cảnh báo của G7 được cho là gây áp lực đối với Nga. Lãnh đạo G7 tuyên bố, những hành động của Nga không phù hợp với G8 mà Nga gia nhập năm 1997, đồng thời khẳng định nhóm các nước giàu này sẽ không tham gia các cuộc họp trù bị cho Hội nghị thượng đỉnh G8 diễn ra vào tháng 6 tới tại Sochi (Nga).

Tại Brussels (Bỉ), Tổng Thư ký NATO, ông Anders Fogh Rasmussen, chỉ trích hành động của Nga vi phạm hiến chương LHQ, đồng thời cho biết liên minh này đang đánh giá lại mối quan hệ với Mátxcơva.

Nga kêu gọi quan tâm đến người dân Ukraine

Đứng trước hàng loạt sức ép, phát biểu tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 3-3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bác bỏ cáo buộc cho rằng Mátxcơva đang có hành động gây hấn đối với Ukraine. Trái lại, ông Lavrov chỉ trích phương Tây đặt những tính toán địa chính trị lên trên số phận của người dân ở đất nước từng thuộc Liên Xô cũ. “Chúng tôi kêu gọi sự tiếp cận có trách nhiệm, gạt bỏ những tính toán địa chính trị, và đặt lợi ích của người dân Ukraine lên trên hết”, ông Lavrov nói.

Trong lúc đó, Điện Kremlin vẫn khẳng định Tổng thống Vladimir Putin chưa quyết định đưa quân đội sang Ukraine. Song, theo Ngoại trưởng Lavrov, Mátxcơva hành động khi có sự đe dọa chống lại công dân nước này và những người nói tiếng Nga. “Quân đội Nga cần có mặt ở Ukraine cho đến khi tình hình chính trị nơi đây trở lại bình thường”, ông Lavrov tuyên bố.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.