.

Mỹ - Nhật - Hàn nhóm họp, Triều Tiên thử tên lửa

.

CHDCND Triều Tiên thử hai tên lửa đạn đạo tầm trung vào ngày 26-3, trong lúc Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì hội nghị thượng đỉnh 3 bên với Nhật Bản và Hàn Quốc tại The Hague (Hà Lan).

Tổng thống Barack Obama chủ trì hội nghị thượng đỉnh 3 bên với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.                              Ảnh: AP
Tổng thống Barack Obama chủ trì hội nghị thượng đỉnh 3 bên với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AP

Reuters cho biết, Mỹ chỉ trích hai vụ thử của CHDCND Triều Tiên là hành động “gây rối và khiêu khích”. Bộ Ngoại giao Mỹ đe dọa có “những giải pháp phù hợp” để đối phó với việc Bình Nhưỡng vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ. Song, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ dọa trừng phạt Bình Nhưỡng và cũng không phải là lần đầu tiên Bình Nhưỡng thử tên lửa, bất chấp cảnh báo của Washington và các nước láng giềng Đông Bắc Á.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói rằng, cả hai tên lửa của CHDCND Triều Tiên được phóng xuống Biển Nhật Bản. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok xác nhận đây là tên lửa lớp Rodong với tầm bắn từ 1.000-1.500km, có thể vươn đến Tokyo và các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật. Ông Kim Min-seok cảnh báo Bình Nhưỡng đang hướng đến hành động khiêu khích. Seoul đang giám sát chặt chẽ tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Song, theo người phát ngôn này, không có dấu hiệu Bình Nhưỡng sắp thử hạt nhân.

Trong lúc đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc chỉ trích CHDCND Triều Tiên vi phạm nghị quyết của HĐBA LHQ và cho rằng, hành động này chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Thực tế, trong 4 tuần qua, CHDCND Triều Tiên thực hiện hàng loạt vụ thử tên lửa Scud tầm ngắn, trùng thời điểm diễn ra cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc. Giáo sư Yang Moo-Jin tại Đại học Nghiên cứu CHDCND Triều Tiên ở Seoul nhận định: những vụ thử vừa qua cũng như mới nhất là hình thức “biểu dương lực lượng một cách thận trọng”. Nếu các tên lửa rơi xuống gần Nhật Bản hơn thì có thể tạo ra phản ứng chính trị gay gắt, không chỉ từ phía Tokyo, mà còn từ phía Mátxcơva. Còn theo ông Joel Wit, cựu quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, việc CHDCND Triều Tiên thử tên lửa ngày 26-3 gây trở ngại cho những nỗ lực gần đây của chính nước này trong việc cải thiện quan hệ với Hàn Quốc và Nhật Bản; không những thế còn đặt Trung Quốc vào thế khó nếu Mỹ tìm kiếm sự ủng hộ của Bắc Kinh để trừng phạt Bình Nhưỡng.

Cả Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều xem việc thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên là mối đe dọa. Vấn đề này cũng được đặt ra tại cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân ở The Hague. Hơn nữa, ông Obama còn hy vọng cuộc gặp 3 bên sẽ cải thiện quan hệ giữa Tokyo và Seoul, kết nối hai nước láng giềng này để giải quyết những mối quan ngại tại khu vực. Để minh chứng cho “thiện ý” này, Tổng thống Obama sẽ đến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc vào tháng 4 tới.

Reuters cho hay, tuy Nhật cũng phản đối vụ CHDCND Triều Tiên thử tên lửa, nhưng theo Chánh Văn phòng nội các Yoshihide Suga, Tokyo sẽ không hoãn kế hoạch nối lại đàm phán cấp cao với Bình Nhưỡng. Cuộc đàm phán này dự kiến diễn ra vào tuần tới, để bàn về vấn đề công dân Nhật bị bắt cóc cũng như chương trình hạt nhân và tên lửa của quốc gia phía Bắc trên bán đảo Triều Tiên.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.