.

Mỹ tìm sự ủng hộ khi đối đầu với Nga

.

Chống khủng bố hạt nhân là chủ đề chính của Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân diễn ra trong 2 ngày 24 và 25-3 tại The Hague (Hà Lan). Song thực tế, cuộc khủng hoảng Ukraine phủ bóng lên hội nghị.

Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmermans đón Tổng thống Mỹ Barack Obama tại sân bay Schiphol, Amsterdam. 		         Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmermans đón Tổng thống Mỹ Barack Obama tại sân bay Schiphol, Amsterdam. Ảnh: AFP

Ngày 24-3, Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Hà Lan để bàn thảo với các nhà lãnh đạo khác về cách trừng phạt Nga xung quanh vấn đề Crimea, trong đó có việc khai trừ Mátxcơva khỏi câu lạc bộ các nước giàu có G8. Hơn hết, ông Obama muốn tìm kiếm sự ủng hộ trong cuộc đối đầu với Nga sau khi Mátxcơva “chớp nhoáng” có được bán đảo chiến lược Crimea.

AFP cho biết, ông Obama kêu gọi nhóm G7 (gồm Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản) nhóm họp khẩn cấp tại The Hague, một phần để bàn việc viện trợ cho Ukraine - một giải pháp giữ chặt Kiev. Việc sáp nhập Crimea vào Nga đang làm ông Obama đau đầu, đồng thời khiến phương Tây xem xét lại mối quan hệ sau Chiến tranh Lạnh với quốc gia của Tổng thống Vladimir Putin. Tổng thống lâm thời Ukraine Oleksandr Turchnynov cũng đã ra lệnh quân đội nước này rút khỏi Crimea. Quân đội Nga hiện chiếm giữ hầu hết các căn cứ trên bán đảo 2 triệu dân, trong đó có căn cứ hải quân tại Feodosia.

AP cũng xác nhận mọi sự tập trung của Tổng thống Obama và châu Âu lúc này không phải là an ninh hạt nhân, mà là việc Crimea trở thành một phần của Liên bang Nga, đồng thời quan ngại Mátxcơva còn “nhắm” vào các khu vực khác của Ukraine.

Đáng lưu ý là trong khi 53 lãnh đạo các nước có mặt tại Hà Lan thì Tổng thống Putin vắng mặt. Thay vào đó là sự hiện diện của Ngoại trưởng Sergei Lavrov. Cũng trong ngày 24-3, ông Lavrov có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ John Kerry. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai nhà ngoại giao này kể từ khi Washington áp đặt lệnh hạn chế về tài chính đối với các quan chức thuộc chính phủ của ông Putin. Ngoại trưởng John Kerry trước đó cảnh báo rằng Nga sẽ mất vị trí trong G8 khi nước này triển khai quân đội ở Crimea. Và nay, cảnh báo đã thành sự thật, thay vì G8 nhóm họp với sự chủ trì của Chủ tịch đương nhiệm là Nga, thì chỉ có G7 hiện diện với nội dung chính: trục xuất Mátxcơva khỏi nhóm.

Trả lời phỏng vấn báo de Volkskrant của Hà Lan, Tổng thống Obama cho hay, thông điệp của ông gửi đến các nhà lãnh đạo châu Âu là Tổng thống Putin cần hiểu về “những hệ lụy kinh tế và chính trị cho hành động của mình tại Ukraine”. Theo ông Obama, Ukraine cần có mối quan hệ tốt với Mỹ, Nga và châu Âu.

Phát biểu sau cuộc gặp gỡ Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Tổng thống Obama còn nói rằng, châu Âu và Mỹ thống nhất trong việc ủng hộ chính phủ cũng như người dân Ukraine. Không những thế, đến nay châu lục già cỗi và bị cho là đang yếu thế vẫn có chung tiếng nói với Mỹ khi áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga. Ông Obama thừa nhận việc cấm vận Nga có thể ảnh hưởng đến các nước khác trên thế giới, nhất là sẽ làm tổn hại những quốc gia đang phụ thuộc vào kinh tế và năng lượng của Mátxcơva. Song, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn đe dọa sẽ “mạnh tay” hơn nếu “Nga có hành động làm căng thẳng leo thang”.

Với những tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân, các bước tiến cứng rắn của Nga đang làm Mỹ và châu Âu lúng túng. Các nhà quan sát nhận định: Khủng hoảng Ukraine là phép thử khả năng của Tổng thống Obama cho lập trường mạnh mẽ và thống nhất nhằm chống lại Nga, như ông từng tuyên bố. Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Nga xung quanh vấn đề Crimea vẫn đang làm “nóng” hai bờ đại dương.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.