.

Obama bối rối khi người Alaska đòi về với Nga

.

Hơn 22.000 người đã ký vào bản kiến nghị đòi ly khai Alaska khỏi Mỹ và sáp nhập khu vực này trở lại với Nga. Đây là thông tin có thể khiến Tổng thống Barack Obama bối rối trong bối cảnh dư luận vẫn còn chưa hết “sốt’ với sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga.

 Nhiều người Alaska đang muốn vùng đất của họ trở lại thành một phần của nước Nga
Nhiều người Alaska đang muốn vùng đất của họ trở lại thành một phần của nước Nga

Bản kiến nghị được đăng tải trên website của Nhà Trắng từ hôm 21-3. Nếu bản kiến nghị này nhận được 100.000 chữ ký ủng hộ trong vòng một tháng thì chính quyền của Tổng thống Barack Obama có nghĩa vụ phải trả lời về vần đề này theo quy định được đặt ra.

Bản kiến nghị có nhan đề "Alaska trở lại Nga” đã khuyến khích một cuộc bỏ phiếu về vấn đề ly khai khỏi Mỹ và sáp nhập trở lại Nga. Lý do được đưa là dựa trên yếu tố lịch sử. Bản kiến nghị nêu rõ rằng, các cư dân của Siberia đã đến Alaska qua eo biển Bering từ thời xa xưa. Người Nga cũng là những người châu Âu đầu tiên đặt chân đến Alaska ngày 21 tháng Tám năm 1732.

Những người khai phá là các thành viên thủy thủ đoàn của chiếc thuyền buồm mang tên “Thánh Gabriel” dưới sự chỉ huy của nhà trắc địa Gvozdev M.S. và trợ lý hoa tiêu Fedorov I., trong chuyến thám hiểm của Shestakov A.F. và Pavlutski D.I. giai đoạn 1729-1735.

Alaska là một vùng thuộc địa của Nga cho đến năm 1867 cho đến khi Nga hoàng Alexander II bán vùng đất này cho Mỹ với cái giá 7,2 triệu USD thời đó, tính bằng tiền thời nay là 120 triệu USD.

Hồi tháng 11 năm 2012, một bán kiến nghị tương tự cũng từng được đưa lên website của Nhà Trắng, trong đó bang Texas đòi tách khỏi Mỹ vì không hài lòng trước chính sách kinh tế liên bang của Mỹ. Những người ký vào bản kiến nghị đó kêu gọi Texas tuyên bố độc lập để duy trì một ngân sách cân bằng và để “bảo vệ mức sống của công dân”.

Những bản kiến nghị tương tự cũng từng được người dân của một loạt bang khác của Mỹ đưa ra như Tennessee, Louisiana, Nam Carolina, Bắc Carolina, Florida, Alabama và Georgia.

Tuy nhiên, chỉ có người dân Texas là đạt chỉ tiêu con số chữ ký cần thiết - hơn 125.000 chữ ký - để buộc chính quyền của Tổng thống Obama phải xem xét và có câu trả lời. Tổng thống Obama sau đó đã bác bỏ đơn kiến nghị, nói rằng “trong khi không ai bác bỏ sự thực rằng đất nước chúng ta đang đối mặt với những thách thức to lớn thì người Mỹ cần phải hợp tác với nhau để tìm ra cách tốt nhất giải quyết vấn đề và đưa đất nước tiến lên phía trước”.

Bất chấp giá trị của cuộc tranh luận lành mạnh, “chúng tôi không để cho cuộc tranh luận đó xé đất nước chúng ta ra thành từng mảnh”, Nhà Trắng tuyên bố.

VnMedia

;
.
.
.
.
.