Theo RT, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố như trên trong bài phát biểu trước lưỡng Viện Quốc hội Nga ngày 18-3.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước quốc hội (Ảnh: rtenews) |
Crimea nên về với Nga vì lý do lịch sử
Ông Putin nhấn mạnh rằng cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập tại Crimea đã tuân thủ chặt chẽ những nguyên tắc dân chủ và luật pháp quốc tế.
Tổng thống Nga khẳng định, kết quả của cuộc trưng cầu ý dân - trong đó có 82% người dân Crimea tham gia bỏ phiếu và hơn 96% trong số này ủng hộ việc Crimea sáp nhập với Nga, không có chỗ cho sự gian lận và lập lờ.
Tổng thống Nga khẳng định lịch sử Crimea có mối quan hệ văn hoá, tôn giáo và tinh thần chặt chẽ với người dân Nga, Ukraine và Belarus. Điều này giải thích thái độ của Nga luôn hướng về bán đảo Crimea.
Ông Putin cho biết, trong quá khứ, Crimea cũng có những giai đoạn tăm tối của mình, đặc biệt là vụ ngược đãi người Tatar và các dân tộc thiểu số tại Crimea thời kỳ trước đây.
Vì thế, chính quyền Crimea đã cố gắng sửa chữa lỗi lầm này mà một trong những minh chứng rõ rệt nhất là việc chấp nhận tiếng Tatar như một ngôn ngữ chính thức tại Crimea song song với tiếng Nga và tiếng Ukraine.
Tổng thống Nga Putin cũng lên án cựu Tổng Bí thư Nikita Khrushchev, người đã ra lệnh buộc Crimea phải sáp nhập với Ukraine mà không đếm xỉa đến nguyện vọng của người dân Crimea và vi phạm luật pháp lúc đó.
Việc Crimea bị chia tách với Nga lại càng rõ rệt hơn sau việc Liên bang Xô viết tan rã, ông Putin nói. Điều này một phần cũng do lỗi của Moscow khi luôn ca ngợi việc tuyên bố độc lập của các quốc gia thuộc Liên bang Xô viết. Kể từ đó, Nga luôn tôn trọng kết quả việc Liên bang Xô viết tan rã, bao gồm cả việc Crimea là một phần của Ukraine.
Theo ông Putin, quan điểm của Nga dựa trên một giả định rằng Ukraine sẽ vẫn luôn là đối tác thân thiện của Nga nhờ mối quan hệ lịch sử giữa hai nước. Nga sẽ vẫn tiếp tục coi mối quan hệ với Ukraine là quan trọng nhất.
Hàng trước, từ trái sang: Thủ tướng Crimea Sergei Aksyonov, Chủ tịch Nghị viện Crimea Vladimir Konstantinov, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thị trưởng Sevastopol Alexei Chaliy trong lễ ký hiệp ước sáp nhập Crimea vào Nga tại Moscow hôm nay. Ảnh: Reuters |
Chính quyền Ukraine không bảo vệ được người dân Crimea
Tổng thống Nga chỉ trích một vài quan chức tại Kiev vì đã phớt lờ những thường dân Ukraine và trục lợi từ chính đất nước mình.
Ông cũng nói rằng ông cảm thông với những người Ukraine đã xuống đường biểu tình tại Kiev chống lại Tổng thống (bị phế truất) Viktor Yanukovich.
Tuy nhiên, ông Putin cáo buộc rằng những người thay thế ông Yanukovich sau cuộc đảo chính bằng vũ trang phần lớn đã bị những phần tử theo chủ nghĩa dân tộc quá khích giật dây.
Những phần tử quá khích này đã lên tiếng đe doạ những người Ukraine chống lại sự cai trị của chúng, đặc biệt là những người dân ở Crimea.
Việc nhắm mắt làm ngơ trước những mối đe doạ đó cùng với việc chính quyền mới tại Kiev xâm phạm quyền của những người dân tộc thiểu số Nga tại Ukraine cũng đồng nghĩa với việc phản bội lại một phần của Nga, ông Putin khẳng định.
Các lực lượng vũ trang của Nga hiện diện tại Ukraine là hoàn toàn hợp pháp bởi Nga có quyền điều động tới 25.000 binh sỹ tại Ukraine như một phần của thoả thuận về việc duy trì căn cứ Hải quân của Nga tại Crimea, ông Putin cho biết.
Cuộc trưng cầu ý dân là hợp pháp
Tổng thống Nga bác bỏ những chỉ trích về cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea là bất hợp pháp. Ông Putin viện dẫn việc Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập như một bằng chứng về quyền tự quyết được phương Tây ca ngợi.
Cuộc bỏ phiếu tại Kosovo đã được coi là hợp pháp theo đúng luật pháp quốc tế do Toà án Công lý Quốc tế đưa ra và những nguyên tắc của cuộc bỏ phiếu nói trên đều được áp dụng tại Crimea, ông Putin nhấn mạnh.
Ông Putin cũng gạt bỏ những tuyên bố của Washington cho rằng Kosovo là một trường hợp hy hữu vì các cuộc xung đột sắc tộc đẫm máu tại Nam Tư.
Toà án Công lý Quốc tế đã không nhắc gì đến con số những nạn nhân trong vụ Kosovo tách khỏi Serbia, ông Putin cho biết.
Nga không chấp nhận việc cần phải có các nạn nhân trong việc Crimea tuyên bố độc lập, ông Putin tuyên bố và nói thêm rằng sẽ có nạn nhân trong vụ này nếu như lực lượng dân quân Crimea không đủ khả năng ngăn chặn bất kỳ một sự khiêu khích nào.
Tổng thống Nga cũng ca ngợi lực lượng quân đội Ukraine tại Crimea vì đã kiềm chế trong suốt cuộc khủng hoảng và không để xảy ra đổ máu trên bán đảo này.
Phương Tây cần tôn trọng lợi ích của Nga
Ông Putin buộc tội phương Tây đã lừa dối Nga trong rất nhiều vụ việc và làm bất kỳ việc gì để theo đuổi lợi ích của mình bất chấp tính hợp pháp của những hành động đó.
Đã đến lúc các cường quốc phương Tây phải thừa nhận rằng Nga cũng có những dự định và lợi ích quốc gia của riêng mình mà phương Tây cần phải tôn trọng, Tổng thống Nga khẳng định.
Nga sẽ không tha thứ việc NATO mở rộng biên giới của mình cũng như những nguy cơ quân sự trong việc này, ông Putin nhấn mạnh. Moscow không phản đối việc hợp tác với NATO nhưng chỉ trong trường hợp điều này được thực hiện dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.
Ông Putin cho rằng, trong bối cảnh tình hình tại Ukraine đang rối ren và dựa trên bối cảnh của lịch sử, ông hoàn toàn thấu hiểu tại sao người dân Crimea lại chọn Nga.
Bất kỳ một thể chế nào khác cũng không thể đảm bảo ổn định và an toàn cho Crimea. Crimea muốn trở thành một quốc gia có chủ quyền ổn định và sự thật là chủ quyền đó chỉ có thể là nhờ có Nga, ông Putin nhấn mạnh.
Crimea chính thức trở thành lãnh thổ của Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin và hai lãnh đạo Crimea vừa đặt bút ký vào hiệp ước sáp nhập bán đảo Biển Đen vào Liên bang Nga.
"Cộng hòa Crimea chính thức được coi là một phần của Nga kể từ ngày ký hiệp ước", điện Kremlin tuyên bố vài phút sau khi Tổng thống Putin ký kết hiệp ước với các lãnh đạo Crimea.
Nhà lãnh đạo Nga hôm nay chính thức kết thúc quyết định dưới thời Xô viết của Nikita Khrushchev trao quyền quản lý Crimea cho Cộng hòa Ukraine thuộc Liên Xô. Putin nói cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea cuối tuần qua về việc sáp nhập vào Nga là một quyết định "quan trọng mang tính lịch sử".
Trong tiếng hát và tiếng nhạc quốc ca Nga, Putin và các lãnh đạo Crimea ký hiệp ước chính thức đưa bán đảo này trở thành trở thành lãnh thổ của Nga. Trong bài phát biểu, ông Putin bị ngắt lời ít nhất 30 lần bởi tiếng vỗ tay, các đại biểu còn đứng dậy, nhiều người rơi nước mắt.
VOV/VNE