.

Cam kết của Mỹ tại châu Á

.

Chuyến công du Nhật Bản của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang làm “nóng” khu vực Đông Bắc Á, nhất là khi người đứng đầu Nhà Trắng cam kết bảo vệ Tokyo và thúc giục Trung Quốc hỗ trợ ngừng chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Tổng thống Barack Obama (trái) gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo.  							Ảnh: Reuters
Tổng thống Barack Obama (trái) gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo. Ảnh: Reuters

Theo giới quan sát, Tổng thống Obama đến Nhật Bản lần này, mang theo nhiều thông điệp, trong đó đặc biệt thể hiện tình đoàn kết với đồng minh Tokyo. AFP cho biết, trong cuộc gặp gỡ Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe ngày 24-4, Tổng thống Obama mô tả những gì đang diễn ra ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là “tình huống nguy hiểm, mất ổn định nhất”. Ông tái khẳng định cam kết bảo vệ Nhật Bản nếu bị Trung Quốc tấn công xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Ông tuyên bố Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật bao trùm toàn bộ các vùng lãnh thổ mà Nhật quản lý, bao gồm quần đảo Senkaku. “Chúng tôi tin rằng không nước nào được phép đơn phương thay đổi hiện trạng này”, Tổng thống Obama nói.

Thực tế, liên minh Mỹ - Nhật được Tổng thống Obama xem là trụ cột chính trong chiến lược an ninh của Washington ở châu Á. Nếu thực hiện việc “xoay trục” về châu Á, Mỹ không thể bỏ qua quan hệ đồng minh truyền thống với Nhật. Ông Obama nói rằng, liên minh này đang được củng cố trong lúc căng thẳng gia tăng ở châu Á do những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và mối đe dọa hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Theo Tổng thống Mỹ, các tranh chấp trong khu vực, trong đó có các vấn đề hàng hải, cần được giải quyết thông qua đối thoại hòa bình.

Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc xấu đi nghiêm trọng do tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, ngoài ra còn do cả những chuyến thăm đền Yasukuni của các bộ trưởng cũng như nghị sĩ Nhật. Bộ Quốc phòng Nhật cho biết tính từ đầu năm đến tháng 3-2014, nước này đã phải triển khai máy bay chiến đấu 415 lần tới vùng trời biển Hoa Đông để chặn máy bay Trung Quốc.

AP dẫn lời Tổng thống Mỹ kêu gọi Trung Quốc tôn trọng các quy tắc quốc tế. Ông nhắc đến việc “trách nhiệm duy trì quy tắc cơ bản của thế giới và trật tự quốc tế”, cho rằng trách nhiệm này thuộc về tất cả các bên. “Dù là nước lớn hay nước nhỏ cũng phải tuân thủ những gì được coi là công bằng và hợp lý”, ông Obama nhấn mạnh.

Thách thức ngoại giao đối với Tổng thống Obama trong chuyến công du 4 nước là việc thuyết phục các đối tác châu Á rằng, Washington đang chú trọng chiến lược “xoay trục” như đã cam kết. Song, một thách thức khác lại đặt ra: thực hiện chiến lược “xoay trục” nhưng không làm tổn hại quan hệ của Mỹ với Trung Quốc.  

Đối với Trung Quốc, ông Obama nhấn mạnh “vai trò cực kỳ quan trọng” của cường quốc châu Á này trong việc ngăn chặn CHDCND Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân. Ông cũng “vỗ về” nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bằng những cam kết như “tiếp tục khuyến khích sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc”. Các trợ lý của Tổng thống Obama khẳng định chuyến công du châu Á của ông không nhằm tạo sự đối trọng với Trung Quốc và người đứng đầu Nhà Trắng cũng không kêu gọi bất kỳ quốc gia châu Á nào lựa chọn việc “bắt tay” với Washington hay Bắc Kinh.

Dẫu vậy, những phát biểu của Tổng thống Obama tại Tokyo lần này đã làm Trung Quốc tức giận. Ngày 24-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương phản ứng gay gắt việc đưa vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật.

Chặng dừng chân tiếp theo của Tổng thống Obama là Hàn Quốc, Malaysia và Philippines.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.