Giải pháp đối thoại đang được đặt ra giữa các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng ở đông Ukraine. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao không kỳ vọng nhiều vào cuộc gặp gỡ tại Thụy Sĩ.
Các nhà hoạt động thân Nga biểu tình bên ngoài cơ quan an ninh khu vực ở thành phố Lugansk ngày 10-4. Ảnh: AFP |
Reuters cho biết, đàm phán 4 bên vào tuần tới tại Geneva (Thụy Sĩ) sẽ là cuộc thương thảo đầu tiên kể từ khi Crimea được sáp nhập vào Nga. Theo đó, đại diện 4 bên tham gia hội đàm bao gồm: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton và Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsia.
Vấn đề mà cả Nga lẫn Mỹ đặt ra là cần có giải pháp hòa bình đối với tình hình an ninh ở đông Ukraine. “Giải pháp cho khủng hoảng là đàm phán”, một quan chức ngoại giao nói. Chính phủ mới ở Kiev cảnh báo nếu đàm phán thất bại thì sẽ dùng đến vũ lực để trấn áp những người biểu tình đòi ly khai ở khu vực phía đông nước này. Cảnh báo chính là đòn răn đe những người biểu tình cũng như các nhà hoạt động thân Nga. Song, theo các nhà quan sát, sự cứng rắn của Kiev trong những tuyên bố không hứa hẹn thành công cho đàm phán.
Trong khi đó, nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ, bà Victoria Nuland, không đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc gặp 4 bên bởi có quá nhiều bất đồng đang hiện hữu. Tuy nhiên, dù sao thì lần nhóm họp của “bộ tứ” này cũng được cho là quan trọng để “mở cánh cửa ngoại giao”.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, đàm phán nên tập trung vào việc đối thoại giữa những người Ukraine, chứ không bàn đến quan hệ giữa các bên tham gia. Cả ông Lavrov và người đồng cấp Mỹ đều thúc giục kiềm chế bạo lực ở phía đông và nam Ukraine. Reuters cho hay, Nga không muốn ngồi vào bàn nghị sự với chính phủ lâm thời Ukraine bởi các nhà chức trách ở quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ có vai trò trong việc lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych. Mátxcơva cáo buộc Kiev phớt lờ quyền và lợi ích của những người nói tiếng Nga ở đông và nam Ukraine, đồng thời kêu gọi hiến pháp mới cho các khu vực này quyền hạn lớn hơn cũng như không để Ukraine gia nhập NATO.
Theo AFP, chính phủ Ukraine đang tìm cách xoa dịu khủng hoảng ở các thành phố phía đông, bao gồm: Donetsk, Lugansk và Kharkiv. Phát biểu trước Quốc hội ngày 10-4, Tổng thống lâm thời Oleksandr Turchynov cam kết không truy tố các nhà hoạt động thân Nga đang chiếm giữ các tòa nhà chính quyền ở 3 thành phố trên, nếu họ chịu hạ vũ khí và kết thúc biểu tình.
Ukraine vốn lo ngại một kịch bản tương tự Crimea sẽ lặp lại với Donetsk khi nơi đây đã tuyên bố là “nước cộng hòa nhân dân Donetsk” và đòi trưng cầu dân ý vào ngày 11-5 tới để sáp nhập vào Nga. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, trường hợp Donetsk không giống Lugansk, hay Kharkiv. Trong lịch sử, khu tự trị Crimea là vùng đất chiến lược từng thuộc Nga và được chuyển giao cho Ukraine vào năm 1954, nay bán đảo có 2 triệu dân đã trở về “đất mẹ”. Nhưng Donetsk, Lugansk, Kharkiv là bộ phận không thể tách rời Ukraine, hằng năm vẫn nhận trợ cấp từ Kiev. Chính phủ Nga cũng khẳng định không mảy may quan tâm đến việc tiếp nhận 3 địa phương này.
Tuy nhiên, theo Reuters, NATO vẫn đặt điều kiện cho Nga khi tham gia đàm phán 4 bên là Mátxcơva phải rút quân khỏi biên giới Ukraine. Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cảnh báo “những hệ quả nghiêm trọng” và các biện pháp trừng phạt kinh tế nếu “Mátxcơva có bất kỳ động thái quân sự nào”.
Ngày 10-4, 18 nghị sĩ Nga là thành viên của Hội đồng Nghị viện châu Âu “tẩy chay” phiên tranh luận của hội đồng này về việc có nên trừng phạt Mátxcơva vì việc sáp nhập Crimea. Reuters dẫn lời Trưởng phái đoàn Nga Alexey Pushkov gọi cuộc tranh luận là “vở hài kịch”. Trong lúc đó, phát biểu tại Diễn đàn quốc tế phương Đông ở Berlin (Đức), Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga Igor Shuvalov khẳng định nước ông không có ý định áp dụng các biện pháp trừng phạt đáp trả phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. |
PHÚC NGUYÊN