.

Khủng hoảng tại Ukraine ngày càng sâu sắc

.

Khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng, chính quyền lâm thời tại Ukraine tiếp tục phải đối mặt với làn sóng đòi ly khai đang diễn ra mạnh mẽ tại khu vực miền Đông và miền Nam nước này. Trong khi đó, Nga và các nước phương Tây vẫn không thể tìm tiếng nói chung nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu này.

Cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang có những diễn biến ngày càng phức tạp khi làn sóng đòi ly khai đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều khu vực. Trong những ngày gần đây, những người biểu tình ủng hộ Nga đã chiếm các tòa nhà chính quyền ở một số thành phố thuộc miền đông, tuyên bố độc lập và thề sẽ tổ chức bỏ phiếu để tách khỏi Ukraine.

Khủng hoảng tại Ukraine đang ngày càng leo thang (Ảnh: Reuters)
Khủng hoảng tại Ukraine đang ngày càng leo thang (Ảnh: Reuters)

Trước tình trạng này, chính quyền lâm thời Ukraine ngày 8/4 có động thái được xem là “mạnh tay” khi thông qua dự luật chống ly khai. Theo đó, những người bị cáo buộc vi phạm chủ quyền lãnh thổ tối thượng của Ukraine có thể phải đối mặt với án tù giam từ 5-10 năm, trong khi đối với tội phản quốc là từ 12-15 năm tù giam.

Cùng ngày, quyền Tổng thống Ukraine Oleksandr Turchynov cũng tuyên bố sẽ coi các phần tử ly khai người Nga bị bắt trong các tòa nhà ở miền Đông Ukraine là "những phần tử khủng bố”. Những phần tử này sẽ bị xét xử theo hiến pháp và luật pháp Ukraine.

Đã có nhiều ý kiến lo ngại, nếu không nhanh chóng được dập tắt, đám cháy từ cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ lan rộng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới bầu không khí kinh tế, chính trị thế giới. Trong dự báo kinh tế toàn cầu 2014 vừa công bố mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF đã cảnh báo nguy cơ nền kinh tế thế giới đối mặt với nguy cơ do cuộc khủng hoảng này, mà trước tiên có thể gây rối loạn hoạt động sản xuất và trung chuyển khí đốt.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay không chỉ từ phía Ukraine, những ý kiến trái chiều từ các nước liên quan đang khiến tình hình càng trở nên khó khăn hơn. Một mặt kêu gọi tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khung hoảng, song mặt khác Nga và các nước phương Tây không ngừng đổ lỗi cho nhau về cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraine.

Bộ Ngoại giao Nga hôm qua đã cảnh báo nguy cơ nội chiến tại Ukraine, đồng thời cho rằng, thay vì đổ lỗi Nga gây ra tình trạng bất ổn hiện nay ở Ukraine, chính quyền Kiev nên sớm thúc đẩy đối thoại và lắng nghe nguyện vọng của chính người dân khu vực này.

Chính phủ Mỹ hôm qua đã đề xuất các cuộc đối thoại 4 bên giữa Ukraine, Nga, Liên minh châu Âu và Mỹ nhằm giúp Ukraine thoát khỏi cuộc khủng hoảng được xem là tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, song cũng không quên cáo buộc Nga đang gây bất ổn Ukraine, bất chấp sự phản đối của Nga.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói: “Tại cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây, chúng tôi đã nhất trí sớm gặp nhau tại châu Âu vào tuần tới, cùng với Ukraine và các đối tác châu Âu để thảo luận các biện pháp nhằm làm giảm căng thẳng, hướng tới các cuộc bầu cử và cải cách hiến pháp tại Ukraine. Một cuộc đối thoại 4 bên như thế là rất quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy một con đường phía trước”.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bàn về Ukraine (Ảnh: Reuters)
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bàn về Ukraine (Ảnh: Reuters)

Phía Nga đã tuyên bố sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán với Mỹ và Liên minh châu Âu về tương lai của Ukraine nhưng khẳng định rằng các khu vực miền Đông và miền Nam nói tiếng Nga của quốc gia này phải có đại diện trong các cuộc thương lượng. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cũng cho rằng, trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại các tỉnh miền đông Ukraine hiện nay, cộng đồng quốc tế cần khẩn cấp hỗ trợ và thúc đẩy đối thoại dân tộc giữa tất cả các phe phái chính trị và khu vực ở Ukraine, trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Dự kiến tuần tới, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov một lần nữa gặp nhau tại châu Âu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Đông-Tây nghiêm trọng nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Theo các nhà phân tích, chắc chắn các bên sẽ không để những căng thẳng hiện nay đi quá xa, song việc không thể tìm được tiếng nói chung do những xung đột về lợi ích sẽ khiến cuộc khủng hoảng hiện nay chưa thể chấm dứt trong một sớm một chiều.

VOV

;
.
.
.
.
.