Chuyến thăm Ukraine của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden mang theo thông điệp rằng, Washington ủng hộ đồng minh Kiev trong cuộc khủng hoảng ở phía đông quốc gia này.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) gặp gỡ Tổng thống lâm thời Ukraine Oleksandr Turchynov. Ảnh: AP |
Trong lúc khủng hoảng ở Ukraine không có dấu hiệu lắng xuống, sự hiện diện của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden như cứu cánh cho các nhà lãnh đạo Kiev bởi quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ này đang cần viện trợ. Đây là chuyến thăm Kiev của một quan chức cấp cao nhất Mỹ kể từ khi căng thẳng bùng phát ở Ukraine. Theo nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki, Ukraine hiện cần cả sự trợ giúp về kinh tế lẫn sự trợ giúp về chính trị, trong lúc khu vực phía đông vẫn xảy ra bạo lực, đòi ly khai và sáp nhập vào Nga như trường hợp Crimea. Gói viện trợ mới mà Mỹ dành cho Ukraine bao gồm các hỗ trợ về kinh tế và nhiên liệu.
Ngày 22-4, phát biểu với các nhà lãnh đạo chính trị Ukraine, ông Biden khẳng định Mỹ vẫn sát cánh với Kiev, đồng thời khuyến khích quốc gia này loại trừ tham nhũng để xây dựng chính phủ mới. Ngoài ra, vấn đề mà ông Biden đề cập khi gặp gỡ các nghị sĩ Ukraine là Mỹ muốn giúp Kiev không phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga, bảo đảm an ninh năng lượng ngắn hạn và dài hạn…
Reuters cho biết, Phó Tổng thống Mỹ đặc biệt quan tâm đến cuộc bầu cử Tổng thống ở Ukraine vào ngày 25-5 tới, xem đây là sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử quốc gia này và là giải pháp để Kiev thoát khỏi khủng hoảng. Trong lúc đó, Nga vẫn cho rằng, chính phủ hiện nay của Ukraine là bất hợp pháp và là căn nguyên của những rắc rối hiện nay tại khu vực phía đông.
Theo giới phân tích, thực chất ông Biden vừa muốn bày tỏ sự ủng hộ Ukraine, trấn an đồng minh này, vừa muốn cảnh cáo Nga khi phương Tây dự kiến tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt mới đối với Mátxcơva. “Chuyến thăm của Phó Tổng thống là bước chuẩn bị quan trọng cho những chính sách mới của Mỹ với Ukraine”, chuyên gia Heather Conley, Giám đốc Chương trình châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế ở Washington nói. Song, theo một số nhà phân tích khác, việc ông Biden đến Kiev cũng nhằm vớt vát thể diện cho Mỹ khi hàng loạt chính sách của Washington trong việc can thiệp vào tình hình ở Ukraine đều thất bại. Và vì thế, chuyến thăm này chỉ mang tính biểu tượng của sự ủng hộ, thay vì cam kết cụ thể nào.
Tại Mátxcơva, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố nước ông đã sẵn sàng đối mặt với các lệnh trừng phạt mới từ phương Tây. “Tôi chắc chắn có thể giảm thiểu hậu quả từ lệnh trừng phạt này. Chúng tôi không để công dân của mình trở thành con tin trong những canh bạc chính trị”, ông Medvedev nói tại phiên họp Quốc hội. Theo Thủ tướng Medvedev, Nga sẽ theo đuổi cách tiếp cận công bằng đối với các thị trường nước ngoài trong hoạt động xuất khẩu năng lượng và sẽ có hành động pháp lý hoặc tìm kiếm sự phân xử của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu thấy cần thiết.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố có thể áp đặt trừng phạt nhằm vào Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng bước đi này chưa được thực hiện ngay lập tức.
Lúc này, chính phủ Ukraine đang lúng túng khi thỏa thuận Geneva mà hội nghị 4 bên (gồm Mỹ, Nga, Ukraine và Liên minh châu Âu) đã đạt được hồi tuần trước có nguy cơ đổ vỡ. Bạo lực ở khu vực phía đông đang vượt khỏi tầm kiểm soát và Nga cáo buộc Kiev coi thường thỏa thuận. Mỹ khẳng định sẽ gia tăng trừng phạt Nga “trong một vài ngày” tới nếu Mátxcơva không có các động thái thực thi thỏa thuận Geneva. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kiên quyết bác bỏ cáo buộc cho rằng nước ông đứng sau các vụ bạo lực ở phía đông.
PHÚC NGUYÊN