.

Mỹ, Nhật đối phó Triều Tiên

.

Mỹ cho rằng, CHDCND Triều Tiên tiếp tục có “những hành động hiếu chiến và khiêu khích”. Vì vậy, Washington muốn bảo vệ Nhật Bản cũng như thực hiện các cam kết trong hiệp ước an ninh giữa hai nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (phải) gặp gỡ người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera. 					         Ảnh: AP
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (phải) gặp gỡ người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera. Ảnh: AP

Việc Mỹ quyết định điều thêm hai tàu khu trục có hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo đến Nhật Bản trước năm 2017, giúp nước này đối phó với các mối đe dọa từ phía CHDCND Triều Tiên, được Washington cho rằng xuất phát từ cam kết hiệp ước an ninh. Theo đó, Mỹ có trách nhiệm bảo vệ đồng minh Nhật Bản sau khi CHDCND Triều Tiên thực hiện hàng loạt vụ thử tên lửa, trong đó có tên lửa tầm trung, làm “nóng” khu vực Đông Bắc Á.

Tăng cường phòng thủ

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khẳng định thông tin điều động thêm tàu khu trục trong cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera ở Tokyo ngày 6-4. Ông chủ Lầu Năm Góc còn nói rằng, các bước đi này sẽ tăng cường đáng kể năng lực phòng thủ cho cả Nhật Bản lẫn Mỹ khỏi các đe dọa tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên. Theo đó, hai tàu khu trục của Mỹ sẽ gia nhập đội 5 tàu phòng thủ tên lửa vốn đang đồn trú tại Nhật Bản.

AP cho biết, Nhật Bản không khoanh tay chờ CHDCND Triều Tiên “thử hạt nhân kiểu mới” như Bình Nhưỡng cảnh báo, mà đã ra lệnh cho quân đội bắn hạ mọi tên lửa đạn đạo của quốc gia này đi vào không phận. Đồng thời, Tokyo điều động tàu có hệ thống phòng thủ tên lửa AEGIS tới vùng biển Nhật Bản.

Song, AP cũng dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, việc Mỹ điều tàu chiến tới Nhật Bản thực chất là một phần trong nỗ lực gia tăng sự hiện diện của Washington ở châu Á - Thái Bình Dương, thực hiện chiến dịch tái cân bằng và xoay trục về châu Á. Tổng thống Barack Obama sẽ nhấn mạnh chiến lược của Mỹ trong chuyến công du Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines vào cuối tháng này.

Cảnh báo Trung Quốc

Không những thế, theo Reuters, hiện diện ở châu Á lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ mang sứ mệnh cảnh báo Trung Quốc cần tôn trọng các nước láng giềng, bởi Bắc Kinh là đồng minh thân thiết của Bình Nhưỡng, là “nhà bảo trợ” của Bình Nhưỡng tại Hội đồng Bảo an LHQ cũng như về kinh tế. Theo các nhà quan sát, ông Hagel muốn dùng chuyến công du châu Á lần này để gửi thông điệp rằng, Trung Quốc không nên lạm dụng “quyền lực lớn” của mình, cụ thể là trong việc đối trọng với khả năng quân sự của Mỹ, chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên cũng như tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông, hay trên Biển Đông. Thực tế, Tokyo cũng lo lắng xung quanh việc Bắc Kinh phát triển quân đội và có những hành động liên quan đến tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Hôm nay (7-4), ông Hagel rời Nhật Bản sau hai ngày lưu lại đây để đến Trung Quốc. Ông cho rằng, Trung Quốc cần đóng góp vai trò tích cực hơn trong các vấn đề quốc tế. “Các cường quốc thì phải có trách nhiệm lớn và Trung Quốc là một cường quốc”, Bộ trưởng Hagel nói.

Vị quan chức quốc phòng Mỹ cũng nhấn mạnh: các nước nhỏ cũng có quyền chủ quyền như các nước lớn hơn. “Tất cả các quốc gia đều đáng được tôn trọng, dù là nước lớn hay nước nhỏ. Bạn không thể đi một vòng và thiết lập lại đường biên giới, xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước bằng vũ lực, ép buộc và đe dọa, dù đó là quần đảo nhỏ ở Thái Bình Dương hay các nước lớn ở châu Âu. Vì vậy, tôi muốn nói với những người bạn Trung Quốc về điều này”, ông Hagel nói.

Tuần trước, khi chủ trì các cuộc đối thoại với những Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại Hawaii, ông Hagel cũng cảnh báo mối quan ngại của Mỹ về tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước trên Biển Đông. Diễn đàn là cột mốc quan trọng đánh dấu sự gắn kết và can dự của Mỹ với ASEAN.  

Dĩ nhiên, với tình hình trên thì chặng dừng chân ở Trung Quốc sẽ không dễ dàng gì với ông Hagel, dù Washington đang muốn gia tăng quan hệ với Bắc Kinh.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.