Mỹ muốn gia tăng sự hiện diện quân sự ở Philippines. Đó là thông điệp từ thỏa thuận hợp tác quốc phòng có thời hạn 10 năm giữa hai nước.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) gặp gỡ Tổng thống Philippines Benigo Aquino tại Manila. Ảnh: Reuters |
Chiều 28-4, Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Philippines, chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du châu Á. Hợp tác kinh tế và an ninh là hai trong số những vấn đề được đặt trên bàn nghị sự giữa nhà lãnh đạo Mỹ với Tổng thống nước chủ nhà Benigno Aquino. Một thỏa thuận quốc phòng quan trọng cũng đã được Đại sứ Mỹ Philip Goldberg và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin ký kết tại Manila, trong lúc quốc gia Đông Nam Á này thúc đẩy khả năng quân sự khi đối mặt với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải.
Mốc quan trọng với Mỹ và Philippines
Thỏa thuận quốc phòng cho phép Mỹ gia tăng sự hiện diện tại Philippines. AP dẫn lời Tổng thống Obama nói rằng, binh sĩ Mỹ sẽ được tăng cường đến các căn cứ Philippines tham gia huấn luyện chung, thúc đẩy an ninh khu vực, ứng phó nhanh hơn với thiên tai… Song, ông nói thêm rằng, Washington sẽ không lập căn cứ thường trực tại quốc đảo. “Sự hợp tác lớn hơn giữa lực lượng Mỹ và Philippines sẽ tăng cường khả năng đào tạo, tập luyện, hoạt động phối hợp cùng nhau cũng như khả năng ứng phó nhanh hơn với các thách thức”, ông Obama trả lời hãng tin tức ABS-CBN.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario gọi thỏa thuận là “mốc quan trọng trong lịch sử chung của các đồng minh lâu năm”. Tuần tới, hai nước sẽ tiến hành tập trận chung ở phía bắc Manila. Các quan chức cho hay, thỏa thuận an ninh mới không đề cập cụ thể bao nhiêu binh sĩ Mỹ và các trang thiết bị quân sự được triển khai tại Philippines.
Tuy nhiên, sự hiện diện của quân đội nước ngoài vốn là vấn đề nhạy cảm ở Philippines, một thuộc địa cũ của Mỹ. Các nhà hoạt động chống Mỹ cho rằng, thỏa thuận nói trên không có lợi cho Philippines. Thực tế, Mỹ từng có các căn cứ lớn ở Philippines (tại Subic và Clark, phía tây bắc Manila) nhưng những căn cứ này đã bị đóng cửa vào đầu những năm 1990, theo phê chuẩn của Thượng viện Philippines.
Năm 2002, tức sau vụ khủng bố 11-9-2001, hàng trăm binh sĩ Mỹ được triển khai đến miền nam Philippines để huấn luyện binh sĩ quốc gia châu Á này chống khủng bố, cụ thể là chống lại các chiến binh Hồi giáo đang trỗi dậy. Trong những tháng gần đây, Mỹ và Philippines thúc đẩy quan hệ trở lại, khi Manila và Bắc Kinh tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Theo AP, quan ngại về vai trò quân sự của Mỹ gia tăng ở Philippines cũng dẫn đến các xung đột giữa cảnh sát với 100 nhà hoạt động cánh tả bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Manila trong những ngày qua. Những người biểu tình không những phản đối chuyến thăm của Tổng thống Obama mà còn nói “không” với thỏa thuận an ninh mới. Chính ông Obama cũng đã phải tìm cách xoa dịu những quan ngại này trước khi đến Philippines.
Đối thoại chứ không đe dọa
AP cho rằng, với mỗi chặng dừng chân ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và hiện tại là Philippines, Tổng thống Obama đều tái khẳng định cam kết bảo vệ các đồng minh châu Á, trong đó có vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Ông tiếp tục kêu gọi Trung Quốc không sử dụng chiến thuật đe dọa để khẳng định các yêu sách của mình, thay vào đó là đối thoại. Quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc đang căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Thậm chí, Manila muốn tìm kiếm trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp.
Giới quan sát nhận định: Trung Quốc không phải là điểm đến của ông Obama trong lần công cán nhằm thực hiện chiến dịch “xoay trục” về châu Á, nhưng vấn đề Trung Quốc lại bao trùm cả chuyến đi. Thỏa thuận quốc phòng giữa Mỹ và Philippines được xem là nhằm đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ông Obama lại gửi thông điệp đến Trung Quốc rằng, Washington muốn là đối tác với Bắc Kinh trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Phát biểu tại cuộc họp báo với Tổng thống Aquino tại dinh thự Malacanang, ông Obama nói: “Mục tiêu của chúng tôi là không chống lại Trung Quốc, không kiềm chế Trung Quốc. Mục tiêu của chúng tôi là bảo đảm tôn trọng các quy tắc và chuẩn mực quốc tế”.
PHÚC NGUYÊN