Gần 7 tháng sau khi hoãn chuyến công du châu Á do chính phủ Mỹ đóng cửa, nay Tổng thống Barack Obama mới hiện diện ở châu lục này - khu vực nằm trong chiến lược “xoay trục” mà Washington đặt ra.
Biểu tình diễn ra trước Đại sứ quán Mỹ ở Philippines ngày 23-4 nhằm phản đối chuyến công du của Tổng thống Barack Obama. Ảnh: AP |
Tối 23-4, với chặng dừng chân ở Nhật Bản, ông Obama là Tổng thống Mỹ đầu tiên có chuyến thăm chính thức quốc gia đồng minh thân thiết nhất của Washington ở châu Á kể từ năm 1996 đến nay. Sau Nhật Bản sẽ là chặng dừng chân của ông ở Hàn Quốc, tiếp đó là Malaysia và Philippines. Ông Obama cũng sẽ là Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Malaysia kể từ năm 1966.
Chuyến công du từ ngày 23 đến 29-4 của Tổng thống Obama diễn ra trong lúc căng thẳng đang gia tăng ở khu vực châu Á. Cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ P.J.Crowley nhấn mạnh cơ hội để tái khẳng định tầm quan trọng của Mỹ ở châu lục này. Song, ông Crowley mô tả đây là “giai đoạn cực kỳ căng thẳng giữa các đồng minh của Mỹ và giữa các đồng minh Mỹ với Trung Quốc”. AP cho biết, Tổng thống Obama không đến Trung Quốc nhưng mối quan hệ với cường quốc này được cho là sẽ bao phủ chương trình nghị sự của ông với các nhà lãnh đạo 4 nước.
“Chính sách của Mỹ rõ ràng”
Phát biểu ngay trước thềm chuyến công du, Tổng thống Obama khẳng định vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản với Trung Quốc nằm trong hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật. Vì vậy, Mỹ phản đối bất kỳ nỗ lực nào làm ảnh hưởng đến sự kiểm soát của Nhật Bản đối với các đảo này. “Chính sách của Mỹ rõ ràng - quần đảo Senkaku do Nhật kiểm soát, trong phạm vi Hiệp ước An ninh và Hợp tác lẫn nhau Mỹ - Nhật”, ông Obama trả lời phỏng vấn báo Yomiuri.
Trước đây, các quan chức Mỹ từng có nhận định tương tự, nhưng đây là lần đầu tiên Tổng thống Obama công khai bình luận như thế. Reuters cho rằng, tuyên bố của ông Obama dường như nhằm tái khẳng định Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản nếu Trung Quốc “có động thái” đối với Senkaku/Điếu Ngư, đồng thời cũng trấn an các đồng minh khác về “hành động cân bằng” của cường quốc từ bên kia đại dương. Trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe vào hôm nay (24-4), ông Obama sẽ đề cập các cam kết nói trên.
Dù quan hệ với Mỹ có lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, nhất là xung quanh những chuyến thăm đền Yasukuni thời gian gần đây của các quan chức Nhật, nhưng Tokyo vẫn muốn Washington tỏ rõ chiến lược “xoay trục” châu Á. Bởi lẽ, với chiến lược này, Washington không thể bỏ rơi các đồng minh ở khu vực đang nổi lên. Trong lúc đó, Trung Quốc quan ngại Mỹ gia tăng ảnh hưởng ở châu Á, khi tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông và biển Hoa Đông vẫn chưa được tháo gỡ. Bắc Kinh hiện chỉ trích Washington tìm cách đóng vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực.
Cũng trong ngày 23-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương bày tỏ sự phản đối việc đặt quần đảo Điếu Ngư vào khuôn khổ hiệp ước Mỹ - Nhật. Theo ông Tần Cương, hiệp ước này là thỏa thuận song phương được thiết lập trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và nó không được phép làm tổn hại các quyền cũng như lợi ích lãnh thổ của Trung Quốc.
Hàn gắn quan hệ Nhật - Hàn
Khi đến Nhật Bản và Hàn Quốc, Tổng thống Obama muốn hai đồng minh của Mỹ “bắt tay” nhau, do cần sự hợp tác của cả hai trong việc giải quyết chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Mỹ hiện có 50.000 binh sĩ ở Nhật và khoảng 28.500 binh sĩ ở Hàn Quốc. Song, điều làm Washington “đau đầu” là Tokyo và Seoul hiện có những bất đồng sâu sắc liên quan tranh chấp lãnh thổ cũng như các vấn đề lịch sử trong Thế chiến thứ hai.
Trước đó, với vai trò làm trung gian hòa giải, ông Obama đã dàn xếp để Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye lần đầu tiên hội đàm trực tiếp bên lề Hội nghị an ninh hạt nhân ở Hà Lan. Tuy nhiên, quan hệ của hai nước Đông Bắc Á hiện vẫn căng thẳng do chuyến thăm đền Yasukuni mới đây của một Bộ trưởng và các nghị sĩ Nhật. AFP dẫn lời Christian Wirth, một nhà nghiên cứu tại Đại học Griffith ở Úc, cho rằng Đông Á là khu vực nhiều biến động nhưng trong nửa thế kỷ qua, Mỹ ít có vai trò hàn gắn các mối quan hệ giữa các quốc gia nơi đây.
Vấn đề CHDCND Triều Tiên được cho là nội dung chính khi Tổng thống Barack Obama thăm Hàn Quốc vào ngày 25-4. Ông khẳng định Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang thống nhất mục tiêu chung: phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, ngày 23-4, các cuộc đụng độ xảy ra giữa cảnh sát với hơn 100 nhà hoạt động cánh tả, những người tuần hành trước Đại sứ quán Mỹ ở Manila nhằm phản đối chuyến thăm của ông Obama. Các nhà quan sát cho rằng, Mỹ đang hướng đến một thỏa thuận an ninh nhằm gia tăng sự hiện diện của quân đội nước này tại Philippines. |
PHÚC NGUYÊN