.

NATO dừng hợp tác với Nga

.

ĐNĐT - Ngày 1-4, tại Brussels (Bỉ), các bộ trưởng ngoại giao của 28 quốc gia thuộc NATO đã tuyên bố quyết định ngừng hợp tác với Moscow để phản đối việc Nga sáp nhập Crimea vào vùng lãnh thổ của mình.

Ngày 1-4-2014, tại Tổng hành dinh NATO ở Brussels, các bộ trưởng ngoại giao NATO đã tuyên bố dừng mọi hợp tác với Nga để phản đối việc Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình.  Ảnh: AFP
Ngày 1-4, tại Tổng hành dinh NATO ở Brussels, các bộ trưởng ngoại giao NATO đã tuyên bố dừng mọi hợp tác với Nga để phản đối việc Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình. Ảnh: AFP

NATO tuyên bố: “Chúng tôi đã quyết định dừng mọi sự hợp tác dân sự và quân sự giữa NATO với Nga. Việc đối thoại chính trị của chúng tôi trong Hội đồng NATO - Nga có thể tiếp tục, nếu cần thiết, và sẽ ở cấp đại sứ và cao hơn nhằm cho phép chúng tôi trao đổi các quan điểm, trước hết và trên hết là về cuộc khủng hoảng này”.

Quyết định trên có thể tác động tới việc hợp tác về các vấn đề Afghanistan như huấn luyện nhân viên chống ma túy, bảo trì các máy bay trực thăng của không quân tại Afghanistan và một tuyến đường đi qua Nga để ra khỏi Afghanistan.

Các bộ trưởng ngoại giao NATO còn thúc giục Moscow là “ngay lập tức có các bước đi để tuân thủ luật pháp quốc tế”.

NATO còn kêu gọi Nga hãy giảm thiểu quân số tại Crimea xuống mức trước khủng hoảng, đưa binh sĩ trở về các căn cứ và giảm thiểu các hoạt động quân sự dọc theo biên giới với Ukraine.

NATO và Ukraine đã ra một bản tuyên bố chung sau một cuộc họp của các bộ trưởng tại Brussels. Trong đó, NATO sẽ thực hiện các biện pháp tức thời và dài hạn nhằm đẩy mạnh khả năng để Ukraine tự đảm bảo an ninh của mình.  

Một quan chức NATO cho biết, các nhà hoạch định quân sự NATO sẽ khẩn trương phát triển một loạt các biện pháp bổ sung nhằm tăng cường phòng thủ tập thể của NATO, như: đưa binh sĩ và trang bị tới các nước đồng minh Đông Âu của NATO; tổ chức tập trận, tăng cường đảm bảo một lực lượng phản ứng nhanh của NATO có thể được điều động nhanh hơn, và xem xét lại các kế hoạch quân sự của NATO.

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây đã tăng cao sau vụ hất cẳng cựu Tổng thống thân Nga, Viktor Yanukovich vào tháng 2, sau nhiều tháng biểu tình ủng hộ việc Ukraine ngã theo phương Tây.

Việc Nga tuyên bố sáp nhập vùng tự trị Crimea trước đó thuộc Ukraine sau một cuộc trưng cầu dân ý vào hôm 16-3 đã làm cho cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Nga với phương Tây trở nên sâu sắc nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. 

Trong suốt thời kỳ căng thẳng leo thang trong tháng 3, Nga đã điều động binh lính gia tăng tại khu vực biên giới với Ukraine trong cái mà Bộ Quốc phòng Nga mô tả là các cuộc tập trận quân sự thường xuyên. Trong khi đó, Kiev và phương Tây đã lên án động thái này là sự chuẩn bị cho cuộc can thiệp quân sự vào Ukraine.

Quang Hiển (Theo Reuters, RT)

;
.
.
.
.
.