.

Nga không có mặt ở đông Ukraine

.

Tổng thống Vladimir Putin cho rằng, những cáo buộc lực lượng Nga có mặt ở đông Ukraine là “vô lý”, đồng thời bày tỏ hy vọng đàm phán 4 bên ở Geneva (Thụy Sĩ) sẽ giải quyết được cuộc khủng hoảng.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (người ngồi, phải) và Thứ trưởng Ngoại giao Grigory Karasin tham dự đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ). 		                                                           Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (người ngồi, phải) và Thứ trưởng Ngoại giao Grigory Karasin tham dự đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh: Reuters

Phát biểu trên đài truyền hình Nga ngày 17-4, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định không có đơn vị đặc biệt, lực lượng đặc biệt nào của nước ông ở miền đông Ukraine. Người đứng đầu Điện Kremlin nhấn mạnh, chỉ có những người dân địa phương tham gia các hoạt động ở khu vực này.

Song, lần đầu tiên ông Putin thừa nhận lực lượng quân đội có mặt ở Crimea trước khi bán đảo này được sáp nhập chính là binh sĩ Nga. Theo Tân Hoa xã, nhà lãnh đạo Nga nói rằng, nước ông chưa bao giờ lên kế hoạch sáp nhập Crimea, nhưng mối đe dọa đối với cộng đồng nói tiếng Nga là “hết sức rõ rệt”.

AP dẫn lời Tổng thống Putin bày tỏ hy vọng ông sẽ không phải cử quân đội Nga đến Ukraine và cuộc khủng hoảng tại quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ có thể được giải quyết bằng các biện pháp chính trị, ngoại giao. Song, Nga sẽ “làm mọi việc có thể” để giúp người dân nói tiếng Nga ở đông Ukraine. Theo ông, Nga và Ukraine có nhiều lợi ích chung nên Mátxcơva sẽ tìm kiếm sự hiểu biết lẫn nhau với Kiev. Tuy nhiên, Tổng thống Putin chỉ trích giới chức Ukraine đang đẩy đất nước này xuống “vực thẳm”.

Trong lúc đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng cho hay, Bộ này rất ngạc nhiên trước tuyên bố của Giám đốc Cơ quan An ninh Ukraine Valentin Nalivaichenko rằng, các đơn vị đặc nhiệm Nga dường như liên quan tới những gì đang diễn ra tại đông nam Ukraine. Theo ông Shoigu, Kiev nên chấm dứt việc gọi người dân ở vùng đông nam là “ly khai” hay “khủng bố” và mở các cuộc đối thoại với người dân, để lắng nghe nguyện vọng của họ. Chính Tổng thống Putin cũng chỉ trích giới chức Kiev phớt lờ quyền và các yêu cầu hợp pháp của người dân.

Cũng trong ngày 17-4, một sự kiện đáng chú ý diễn ra ở Geneva: hội đàm 4 bên giữa Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nga và Ukraine lần đầu tiên kể từ khi khủng hoảng Ukraine bùng phát. Tại Mátxcơva, Tổng thống Putin nói rằng, đàm phán 4 bên rất quan trọng. “Điều quan trọng lúc này là cùng nhau nghĩ về giải pháp để vượt qua tình hình hiện tại và đề nghị tổ chức một cuộc đối thoại thật sự với người dân”, ông Putin nói.

Tuy nhiên, Reuters dẫn lời các nhà quan sát nhận định: ít hy vọng đạt được thỏa thuận giải quyết khủng hoảng, nhất là khi tình hình ở đông Ukraine vẫn diễn biến phức tạp. Đêm 16-4, lực lượng ly khai tấn công một căn cứ của lực lượng bảo vệ quốc gia Ukraine ở cảng Mariupol trên Biển Đen. Chính phủ Kiev cho biết, 3 thành viên lực lượng ly khai thiệt mạng và 13 người khác bị thương. 63 người tham gia tấn công bị bắt giữ. Đây cũng là sự kiện đẫm máu nhất trong 10 ngày nổi dậy ở đông Ukraine, đồng thời phủ bóng lên đàm phán ở Thụy Sĩ.

Ngày 17-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ Việt Nam luôn quan tâm theo dõi chặt chẽ tình hình tại Ukraine và hết sức lo ngại trước những diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền đông Ukraine.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về tình hình Ukraine hiện nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam luôn quan tâm theo dõi chặt chẽ tình hình tại Ukraine và hết sức lo ngại trước những diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền đông Ukraine”. “Chúng tôi mong muốn các bên liên quan kiềm chế, không sử dụng vũ lực, tránh các hành động làm phức tạp thêm tình hình và gây tổn thất cho người dân, nỗ lực thông qua đối thoại hòa bình để tìm giải pháp đáp ứng lợi ích chính đáng của các bên và nguyện vọng của người dân, vì hòa bình, ổn định, phát triển của Ukraine và khu vực”, ông Lê Hải Bình nói.

TTXVN

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.