Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe muốn nước ông đóng vai trò lớn hơn đối với an ninh toàn cầu. Song, việc Tokyo nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí có thể làm nước láng giềng Trung Quốc tức giận.
Thủ tướng Shinzo Abe duyệt đội quân thuộc lực lượng phòng vệ Nhật Bản ở căn cứ Asaka, phía Bắc Tokyo, ngày 27-10-2013. Ảnh: AP |
AP cho biết, ngày 1-4, nội các Nhật Bản thông qua những nguyên tắc hoạt động xuất khẩu vũ khí, nêu rõ quốc gia Đông Bắc Á này sẽ tiếp tục giữ vững triết lý cơ bản của một nhà nước hòa bình tuân thủ Hiến chương LHQ. Nhật Bản sẽ cho phép xuất khẩu vũ khí chỉ khi nhằm đóng góp cho hợp tác quốc tế và lợi ích an ninh của đất nước hoa anh đào. Song, Tokyo sẽ cấm xuất khẩu vũ khí sang những nước tham gia các cuộc xung đột. Đồng thời, lệnh cấm cũng được áp dụng khi việc xuất khẩu vũ khí vi phạm các nghị quyết của LHQ.
Các quy định mới cũng cho phép Nhật Bản bán vũ khí cho các nước dọc các tuyến hàng hải quan trọng để giúp chính phủ các quốc gia này chống cướp biển. Theo đó, Nhật có thể bán vũ khí cho các nước Đông Nam Á như Indonesia, Philippines.
Các nhà quan sát cho rằng, đây là đợt điều chỉnh lớn đầu tiên trong gần nửa thế kỷ qua đối với chính sách cấm vận vũ khí của Tokyo. Chính sách mới này có sự thay đổi đáng kể so với chính sách cấm xuất khẩu mọi loại vũ khí được Nhật Bản thông qua vào năm 1967. Các nguyên tắc mới được đưa ra lần này là một phần trong kế hoạch của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm thúc đẩy an ninh quốc gia, khi đối mặt với sự mở rộng quân sự của Trung Quốc và mối đe dọa hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Ông Abe nói rằng, Nhật Bản cần đóng vai trò lớn hơn trong việc gìn giữ hòa bình quốc tế và hợp tác quốc phòng. Chính phủ của ông đang thúc đẩy khả năng cho phép Nhật Bản bảo vệ các đồng minh, chẳng hạn như Mỹ, nếu các quốc gia này bị tấn công. AP dẫn lời Nobushige Takamizawa, Phó trưởng ban Thư ký an ninh quốc gia - ban mới được thành lập, cho rằng những nguyên tắc mới mở đường để Nhật tham gia phát triển công nghệ vũ khí chung với Mỹ và các đồng minh khác, như Anh, Pháp, Úc; đồng thời yêu cầu khả năng phòng thủ cũng như thiết bị tiên tiến hơn.
GS Heigo Sato ở Đại học Takushoku nhận định: Quyết định của nội các Nhật Bản có lợi cho các công ty nước này bởi họ có thể cùng nhau tham gia phát triển, sản xuất và tiếp cận với công nghệ tiên tiến. “Ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản sẽ bị tụt hậu nếu vẫn sống trong một thị trường khép kín như hiện nay”, GS Heigo Sato nói.
Dưới chính phủ của Thủ tướng Abe, Nhật Bản tập trung vào thiết bị quốc phòng không gây chết người như tàu tuần tra, máy dò mìn và không có kế hoạch xuất khẩu những vũ khí như xe tăng, máy bay chiến đấu. Chính sách cấm xuất khẩu vũ khí vốn được xem là biểu tượng của lập trường hòa bình mà Nhật Bản vẫn theo đuổi. Tuy nhiên, việc tự cấm vận xuất khẩu vũ khí khiến các nhà thầu quốc phòng Nhật như: Mitsubishi Heavy Industries, Kawasaki Heavy Industries và IHI phải đứng ngoài các thị trường nước ngoài. Các công ty này gặp khó khăn trong việc giảm chi phí và tiếp cận công nghệ. Mitsubishi Heavy Industries, Kawasaki Heavy Industries, Mitsubishi Electric Corp và Nippon Electric hiện là những nhà thầu lớn nhất của Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Mitsubishi Heavy Industries sản xuất tàu chiến, tàu ngầm, xe tăng, máy bay và tên lửa; còn Kawasaki Heavy Industries sản xuất máy bay tuần duyên, trực thăng và động cơ máy bay.
Theo Reuters, những điều chỉnh về chính sách quốc phòng của Nhật Bản đang làm Trung Quốc tức giận. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 1-4 khẳng định Bắc Kinh đang quan tâm đặc biệt đến việc Nhật Bản nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí. Trong khi đó, Hàn Quốc cũng yêu cầu Nhật Bản minh bạch hóa tối đa việc thực hiện những nguyên tắc và chỉ đạo mới được thông qua.
PHÚC NGUYÊN