.

Những giải pháp khác biệt cho Crimea

.

Cả Mỹ lẫn Nga đều cho rằng, cần giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tuy nhiên, hai nhà ngoại giao hàng đầu của hai cường quốc đưa ra những giải pháp khác biệt.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và người đồng cấp Mỹ John Kerry gặp gỡ tại Paris (Pháp). 						                 Ảnh: AP
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và người đồng cấp Mỹ John Kerry gặp gỡ tại Paris (Pháp). Ảnh: AP

Cuộc gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov trong 4 tiếng đồng hồ vào tối 30-3 tại Paris (Pháp) không mang lại kết quả đáng kể nào. Hội nghị cấp ngoại trưởng Mỹ- Nga ở Paris kết thúc và hai ông ra về “tay trắng”.

Nói về những giải pháp để tháo gỡ khủng hoảng ở Ukraine, Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh tiến trình này phụ thuộc vào việc quân đội Nga rút khỏi các vùng biên giới của Ukraine. Thành ra, vấn đề mấu chốt chính là động thái của Nga, như ông Kerry phát biểu tại cuộc họp báo ở Paris. “Bất kỳ tiến triển nào cũng cần bao gồm việc rút quân của lực lượng quy mô lớn của Nga hiện tập trung ở biên giới Ukraine”, ông Kerry nói. Vị Ngoại trưởng của Mỹ còn nói: “Lực lượng này đang tạo ra bầu không khí lo sợ và đe dọa ở Ukraine”.

Hãng Reuters dẫn lời ông Kerry rằng, mọi cuộc đàm phán về tương lai của Ukraine phải có sự tham dự của quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ này. Quan điểm cứng rắn của Mỹ là “không chấp nhận con đường phía trước mà chính phủ hợp pháp của Ukraine không tham gia đàm phán”.

Thực tế, Mỹ công nhận chính phủ mới ở Kiev nhưng xem hành động của Nga ở Crimea là bất hợp pháp. Tuy nhiên, với Nga, chính phủ Ukraine không phải là “chính phủ hợp pháp” và việc sáp nhập Crimea không làm Điện Kremlin bối rối bởi “không còn sự lựa chọn nào khác”. Hãng thông tấn RIA dẫn lời Ngoại trưởng Lavrov khẳng định: “Không phải Nga, cũng không phải Mỹ, không phải bất kỳ ai khác có thể áp đặt kế hoạch cụ thể nào đối với người Ukraine”. Mátxcơva cũng giữ quan điểm rằng, quân đội của nước này ở khu vực gần biên giới với Ukraine chỉ hoạt động diễn tập bình thường, không mang tính đe dọa nước láng giềng.

Theo các nhà phân tích, giải pháp cho vấn đề Ukraine chính là giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Đông - Tây nghiêm trọng nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh đến nay. Việc sáp nhập Crimea vào Nga khiến quan hệ giữa Washington và Mátxcơva căng thẳng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt mà Washington và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra được cho là khó làm Nga lung lay. Cường quốc hàng đầu thế giới và liên minh gồm 28 thành viên của một châu lục già cỗi đang xem xét các biện pháp trừng phạt tiếp theo đối với Mátxcơva. Dự kiến hôm nay (1-4) và ngày mai (2-4), các ngoại trưởng thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhóm họp để thảo luận về vấn đề Ukraine.

Trong một động thái liên quan, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết lực lượng Nga ngày 31-3 bắt đầu rút khỏi biên giới Ukraine. Song, theo phát ngôn viên Ban tham mưu Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksiy Dmytrashkivskiy, không thể xác định được số binh sĩ đã rút đi cũng như số lượng binh sĩ vẫn còn đóng ở biên giới và cũng không thể biết chính xác lý do các binh sĩ được rút.

Trong khi đó, nhiều nhà phân tích chỉ trích Mỹ đã có những lời đe dọa “rỗng tuếch” nhằm vào Nga. Chuyên gia nghiên cứu Ian Bremmer - Giám đốc Tập đoàn tư vấn Eurasia Group, cho rằng nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin theo đuổi chiến dịch quân sự quy mô lớn hơn thì Mỹ và EU khó có thể có phản ứng quân sự mạnh mẽ. Đồng thời, việc trừng phạt Nga sẽ tạo ra những thiệt hại khó lường, trong đó Ukraine không tránh khỏi thiệt hại khi bị mất đi phần trợ giá khí đốt khoảng 200-300 tỷ USD.

Bất ngờ đến thăm Crimea vào ngày 31-3, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói rằng, Mátxcơva sẽ biến bán đảo 2 triệu dân này thành một đặc khu kinh tế và áp dụng miễn thuế để thu hút các nhà đầu tư. Ông Medvedev là quan chức cao cấp nhất hiện diện ở Crimea sau khi được sáp nhập vào Nga.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.