Câu chuyện chìm tàu du lịch Sewol đang phủ tang tóc lên đất nước Hàn Quốc, khi số người chết tính đến ngày 20-4 đã lên đến 56 và còn khoảng 246 người khác mất tích.
Thân nhân của các hành khách mất tích tham gia biểu tình phản đối hoạt động cứu hộ của chính phủ tại đảo Jindo. Ảnh: AP |
Nỗi đau đớn và phẫn uất của thân nhân những người mất tích dâng cao khi công tác cứu hộ bước sang ngày thứ 5. Hy vọng có thêm người sống sót cứ vơi dần. Nước mắt vẫn rơi…
Trong các cuộc đụng độ giữa gần 100 người nhà nạn nhân với cảnh sát vào sáng 20-4, nỗi đau hiện hữu trên gương mặt những người biểu tình. Họ tổ chức tuần hành từ đảo Jindo đến phủ Tổng thống ở Seoul, với mong muốn chính phủ phải có câu trả lời về số phận của những người mất tích, trong đó hầu hết là trẻ em. “Hãy trả lại con cho tôi”, một phụ nữ tên Bae Sun-ok than khóc. “Chúng tôi muốn câu trả lời từ người có trách nhiệm về nguyên nhân vì sao lệnh sơ tán không được đưa ra…”, ông Lee Woon-geun bức xúc khi con của ông, Lee Jing-in (17 tuổi), chưa rõ tung tích. Những người biểu tình phản đối hoạt động cứu hộ của chính phủ và cho rằng, Seoul đã hành động quá chậm chạp.
AP cho biết, Chính phủ Hàn Quốc đang cân nhắc khả năng tuyên bố vùng thảm họa đặc biệt tại Ansan - nơi có ngôi trường trung học Danwon của 250 học sinh mất tích, và tại đảo Jindo - nơi chiếc tàu du lịch xấu số bị đắm. Khi được tuyên bố là các vùng thảm họa đặc biệt, những địa phương này có quyền được nhận thêm hỗ trợ từ chính phủ, bao gồm tối đa 80% chi phí liên quan thảm họa. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye sẽ đưa ra tuyên bố này sau khi được một ủy ban quốc gia về an toàn xã hội rà soát và phê chuẩn. Ngày 20-4, Thủ tướng Chung Hong-won đến khu tập thể dục ở thành phố cảng Jindo - nơi thân nhân của các nạn nhân lưu trú, nhưng ông chỉ gặp gỡ số ít đại diện các gia đình nạn nhân.
Tuy nhiên, một vùng thảm họa đặc biệt và sự xuất hiện của Thủ tướng Chung Hong-won cũng không đủ để xoa dịu nỗi đau của các gia đình trước thảm họa tàu du lịch nghiêm trọng nhất trong 21 năm qua ở Hàn Quốc. Trong khi đó, ngành vận tải hành khách của xứ sở kim chi vẫn được đánh giá là an toàn so với các quốc gia châu Á khác.
Chưa có câu trả lời chính xác về nguyên nhân thảm họa. Các nguồn tin ban đầu cho biết con tàu đã chuyển hướng đột ngột trước khi bị đắm. Có khoảng 2 tiếng đồng hồ để sơ tán người nhưng hành khách đã được yêu cầu ở lại trong các cabin, không lên boong tàu - nơi mà họ có thể được giải cứu. Các hành khách sống sót khẳng định rằng, không có lệnh sơ tán nào được đưa ra. Thuyền trưởng Lee Joon-seok cùng 2 thuyền viên đã bị bắt giữ bởi ông trao bánh lái cho một thuyền viên trước khi tàu lật. Ông bị truy tố các tội bỏ tàu, tắc trách, gây thiệt hại về nhân mạng, không tìm kiếm cứu hộ từ các tàu khác và vi phạm luật biển. Điều đáng nói là vị thuyền trưởng 69 tuổi có 40 năm kinh nghiệm đi biển và các thủy thủ đoàn lại là những người rời tàu sớm nhất. Song, ông Lee Joon-seok không có lời giải thích nào về hành động này.
Các công tố viên nói rằng, sẽ gia tăng thời hạn tạm giữ ông Lee và 2 thuyền viên thêm 10 ngày để xác định nguyên nhân tai nạn. Phát biểu với báo giới ở Mokpo, công tố viên Yang Joong-jin dẫn lời một số thủy thủ nói rằng họ chưa được huấn luyện về an toàn.
Hóa ra, tại đất nước mà ngành vận tải hành khách được đánh giá là an toàn vẫn còn rất nhiều lỗ hổng.
Trong câu chuyện kinh hoàng của tàu Sewol, người ta nói với nhau về hành động tự sát của ông Kang Min Kyu, Hiệu phó Trường trung học Danwon, khi ông này tự vẫn, để lại bức thư tuyệt mệnh cho biết ông dằn vặt, đau đớn vì mình được cứu thoát, trong khi hàng trăm học sinh vẫn bị mắc kẹt. Và trong sự thắt lòng vì tính mạng của bao nhiêu con người trên chuyến tàu định mệnh ấy, người ta cũng thắt lòng vì sự quá đỗi tự trọng của một vị lãnh đạo trường học.
Nhiều gia đình đang phập phồng chờ tin tức trong lo sợ rằng, họ sẽ không còn gặp lại người thân của mình nữa. Giờ đây, một ngày nữa lại trôi qua…
VĨNH AN