.

Thủ tướng Yingluck lại gặp khó

.

Các cáo buộc đang bủa vây nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, hết liên quan chương trình trợ giá gạo thì nay đến việc bà có khả năng vi phạm hiến pháp.

Thủ tướng Yingluck Shinawatra đối mặt với cáo buộc vi phạm hiến pháp.                                                       Ảnh: Reuters
Thủ tướng Yingluck Shinawatra đối mặt với cáo buộc vi phạm hiến pháp. Ảnh: Reuters

Ngày 2-4, Tòa án Hiến pháp Thái Lan tuyên bố sẽ xét xử Thủ tướng Yingluck Shinawatra về cáo buộc quản lý yếu kém khi quyết định sa thải lãnh đạo Ủy ban An ninh quốc gia Thawil Pliensree - một quan chức chủ chốt trong chính phủ - vào năm 2011. Như vậy, một thách thức pháp lý mới đang chờ đợi bà Yingluck. Trong lúc đó, những người ủng hộ nữ Thủ tướng chỉ trích tòa án hành xử không công bằng khi tìm cách lật đổ bà Yingluck bằng việc lợi dụng hệ thống pháp lý.

Reuters cho biết, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã tiếp nhận đơn kiện của 27 thượng nghị sĩ chống lại việc bà Yingluck sa thải ông Thawil. Đơn kiện cho rằng, bà đã lạm dụng chức vụ và vi hiến khi loại bỏ ông Thawil. Reuters dẫn lời phát ngôn viên tòa án Somrit Chaiyawong xác nhận tòa đang xem xét trường hợp này nhưng không cho biết vụ việc có thể kéo dài bao lâu. Tháng 2 vừa qua, một tòa án từng ra phán quyết rằng, ông Thawil phải được khôi phục chức vụ. Tòa án Hiến pháp cho bà Yingluck 15 ngày để tự bào chữa. Nếu bị buộc tội, hay bị phát hiện lợi dụng các vấn đề của đất nước để tạo lợi ích cho cá nhân hoặc cho đảng cầm quyền, bà Yingluck đương nhiên sẽ mất chức Thủ tướng.

Trước đó, những người ủng hộ bà Yingluck từng nhiều lần chỉ trích Tòa án Hiến pháp chống đối chính phủ. Năm 2013, Tòa án Hiến pháp ra phán quyết loại bỏ dự luật bầu cử dân chủ toàn bộ thành viên Thượng viện. Cũng trong ngày 2-4, tòa bác bỏ kiến nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động Chalerm Yoombamrung đề nghị tòa tuyên án rằng, các cuộc biểu tình chống chính phủ nhằm lật đổ bà Yingluck là vi phạm Hiến pháp. Phán quyết này được xem là thắng lợi lớn của phe đối lập trong cuộc đối đầu kéo dài với chính phủ.

Theo AP, các tòa án và các cơ quan độc lập của nhà nước chống lại cỗ máy chính trị của gia đình cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Những người biểu tình chống chính phủ cũng trông chờ vào sự can thiệp của ngành tư pháp, vốn được cho là chẳng ưa gì bà Yingluck. Trong lúc này, có những quan ngại rằng, lực lượng ủng hộ bà Yingluck và ông Thaksin có thể trở lại đường phố nếu họ cảm thấy nữ Thủ tướng tạm quyền đang đối mặt với “cuộc đảo chính tư pháp”. Lực lượng “áo đỏ” ủng hộ chính phủ Thái Lan đang kêu gọi tổ chức biểu tình lớn ở thủ đô Bangkok vào ngày 5-4 tới. Các lãnh đạo “áo đỏ” thậm chí còn tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng nếu bà Yingluck bị phế truất. Giới quan sát lo ngại một cuộc đụng độ giữa hai lực lượng có thể xảy ra vào cuối tuần này và sẽ càng đẩy Thái Lan vào bất ổn chính trị.

Hiện Thủ tướng Yingluck đương đầu với cáo buộc tắc trách của Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (NACC) xung quanh tổn thất kinh tế nặng nề trong chương trình trợ giá gạo. Theo đó, Thượng viện có thể bỏ phiếu phế truất bà Yingluck. Tuy nhiên, việc bãi nhiệm cần có phiếu thuận của 3/5 thượng nghị sĩ, trong khi kết quả bầu cử Thượng viện cho thấy phe ủng hộ bà Yingluck có thể chiếm thế đa số.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.