.

"Tối hậu thư" của Ukraine

.

Ukraine cho các nhà hoạt động thân Nga 48 tiếng đồng hồ để bước vào đàm phán, tìm ra giải pháp chính trị, nếu không sẽ đối mặt với vũ lực.

Các nhà hoạt động thân Nga treo cờ ở trụ sở chính quyền Donetsk, Ukraine.  Ảnh: AP
Các nhà hoạt động thân Nga treo cờ ở trụ sở chính quyền Donetsk, Ukraine. Ảnh: AP

Ngày 9-4, Bộ Nội vụ Ukraine cảnh báo các nhà hoạt động thân Nga, những người đang chiếm giữ các cơ quan chính quyền ở những thành phố phía đông, về 2 sự lựa chọn: chính trị và đàm phán, hoặc vũ lực. Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov nhấn mạnh dù cách nào đi nữa thì tình hình sẽ được giải quyết trong 48 tiếng đồng hồ. Ông Avakov nói rằng, “hoạt động chống khủng bố” sẽ được thực hiện tại Donetsk, Luhansk và Kharkiv, đồng thời sẽ kết thúc trong vòng 2 ngày. “Với những ai muốn đối thoại, chúng tôi đề xuất đàm phán và một giải pháp chính trị. Với số ít người muốn xung đột, họ sẽ nhận câu trả lời bằng vũ lực từ các nhà chức trách Ukraine”, ông Avakov nói. Theo Cơ quan An ninh Ukraine, 56 người bị bắt giữ bên trong các trụ sở chính quyền địa phương ở thành phố Luhansk đã được phép rời khỏi nơi đây.

Liên minh châu Âu (EU), Nga, Mỹ và Ukraine dự kiến nhóm họp vào tuần tới. Đây là cuộc đàm phán đầu tiên giữa 4 bên kể từ khi khủng hoảng diễn ra tại Ukraine. AP cho hay, đàm phán nhằm tháo gỡ bế tắc sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Quân đội Nga được cho là đang triển khai quy mô ở dọc biên giới với Ukraine, khoảng 40.000 binh sĩ. Kiev và các đồng minh cáo buộc Mátxcơva tạo bất ổn ở khu vực phía đông và cho rằng đây là cái cớ để Mátxcơva mở rộng lãnh thổ. Tuy nhiên, Nga bác bỏ điều này và cảnh báo Kiev rằng, việc dùng vũ lực để kết thúc biểu tình ở phía đông có thể đẩy quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ này vào nội chiến.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định: Mỹ và Ukraine không có lý do gì để lo lắng. “Nga lặp lại nhiều lần rằng không thực hiện bất kỳ hoạt động gì bất thường hoặc không có kế hoạch trên vùng đất gần biên giới Ukraine”, tuyên bố nêu rõ. Bộ này cũng kêu gọi Mỹ ngừng việc sử dụng các tổ chức quốc tế làm phương tiện để phức tạp hóa căng thẳng xung quanh vấn đề Ukraine.

Cũng trong ngày 9-4, Thủ tướng Đức Angela Merkel chỉ trích Nga không nỗ lực đủ để tháo gỡ khủng hoảng và kêu gọi thúc đẩy sứ mệnh giám sát của quốc tế. AP dẫn lời bà Merkel rằng, Đức sẽ tiếp tục dùng các kênh thông tin trong vấn đề Ukraine nhưng người dân Ukraine phải tự quyết định số phận của họ.

Đến nay, Tổng thống Vladmir Putin vẫn khẳng định ông không có ý định xâm chiếm Ukraine nhưng có quyền bảo vệ các lợi ích của người Nga tại nước láng giềng này. Song, theo ông, Nga sẽ tham gia đối thoại với các nhà chức trách Ukraine mặc dù Mátxcơva vẫn từ chối công nhận chính phủ mới ở Kiev sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ hồi tháng 2 vừa qua.

Tất cả các thành phố bị ảnh hưởng bởi cuộc nổi dậy đều nằm ở phía đông Ukraine, nơi có đông người Nga sinh sống và có quan hệ kinh tế, văn hóa gần với Nga. Cư dân nơi đây đang hoài nghi chính phủ mới và muốn xa rời Kiev để gần Mátxcơva.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.