.

ASEAN cảnh báo về tranh chấp trên Biển Đông

.

Các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về các vụ tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, theo tuyên bố được đưa ra vào ngày 12-5.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN.                   Ảnh: AFP
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN. Ảnh: AFP

Hội nghị Cấp cao ASEAN diễn ra ở Myanmar bị chi phối bởi tình trạng căng thẳng leo thang giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan tới vấn đề tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông. Tuyên bố nhấn mạnh: “Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến đang xảy ra trên Biển Đông”. ASEAN kêu gọi tất cả các bên liên quan “kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình tuân theo những quy định đã được công nhận rộng rãi trong luật pháp quốc tế”.

Giới quan sát nhận định, tuyên bố trên đánh dấu sự thay đổi về tiếng nói của ASEAN trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Theo GS Úc Carl Thayer - chuyên gia về Việt Nam, tuyên bố thể hiện “ASEAN ngày càng siết chặt lập trường”, đồng thời cho thấy sự đồng thuận hiếm hoi về vấn đề chủ quyền biển tranh cãi. Tuy nhiên, ông Carl Thayer nói thêm: “Vấn đề mà chưa có bên nào đề cập tới, nhất là Trung Quốc, chính là quy chuẩn của ASEAN”.

Cũng trong ngày 12-5, Nhật Bản bày tỏ ủng hộ lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo ASEAN thực hiện kiềm chế, giảm leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam. Phát biểu tại cuộc họp báo, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói: “Chúng tôi hy vọng các nước liên quan sẽ không thực hiện những hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng và hành động kiềm chế phù hợp với luật pháp quốc tế liên quan”. Theo ông Suga, Nhật Bản “quan ngại sâu sắc” trước tình hình căng thẳng leo thang trong khu vực do hành động khoan dầu đơn phương của Trung Quốc.

Tại Ấn Độ, chính phủ quốc gia Nam Á này lên tiếng bày tỏ sự quan ngại và nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì sự tự do hàng hải tại vùng biển tranh chấp bởi Trung Quốc và 5 thành viên ASEAN.

Tại Đức, nhiều tờ báo lớn của nước này đã đăng tin bày tỏ phản đối hành động khiêu khích của Trung Quốc. TS Gerhard Will, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học và Chính trị Đức (SWP), bày tỏ phê phán hành động này của Bắc Kinh. Theo TS Gerhard Will, việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam không chỉ khiến Việt Nam, mà nhiều nước khác cũng đặc biệt quan ngại. “Hành động này là sự thụt lùi nghiêm trọng cho những nỗ lực nhằm giảm thiểu xung đột trên Biển Đông cũng như việc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã được các nước ASEAN và Trung Quốc ký kết”, TS Gerhard Will nhấn mạnh.

TS Gerhard Will cho rằng, hành động nói trên của Trung Quốc nhằm đòi yêu sách về lãnh thổ mà trong suốt 30 năm qua cường quốc châu Á này đã thông qua các hành động như: chiếm đảo, tăng cường quân sự..., để thể hiện và thực thi chính sách vũ lực của họ. Chuyên gia Đức nhận định: việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam rõ ràng vi phạm các quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) cũng như DOC. Theo ông, hành động của Trung Quốc không nhằm thăm dò hay khai thác dầu mà chủ yếu để thực hiện yêu sách tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển này. Vì vậy, trong vấn đề tranh chấp chủ quyền, Việt Nam và các nước có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc như Malaysia và Philippines cần bàn thảo để có tiếng nói chung.

Trong khi đó, chuyên gia Gregory Poling về Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế CSIS ở Washington D.C (Mỹ), nói rằng việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam không phải vì vấn đề kinh tế, cũng chẳng phải dầu lửa. Chuyên gia Gregory Poling cho rằng, việc Trung Quốc đặt giàn khoan là muốn gửi một thông điệp chính trị; bên cạnh đó, có thể Trung Quốc cũng muốn khiêu khích Việt Nam, muốn Việt Nam phản ứng vượt giới hạn. Đó chính là “chiêu bài” mà Bắc Kinh sử dụng lâu nay: dùng các lực lượng phi quân đội nhưng vẫn đầy khiêu khích để đưa các nước vào bẫy.

B.T tổng hợp

;
.
.
.
.
.