Nga cảnh báo thất bại trong việc ngăn chặn bạo lực leo thang ở đông Ukraine sẽ đe dọa hòa bình trên khắp châu Âu.
Các tay súng được cho là thân Nga cùng những xe bọc thép tiến vào Slavyansk, phía đông Ukraine, ngày 5-5. Ảnh: AP |
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: cần phải ngăn chặn bạo lực ở đông Ukraine để tránh những hệ quả cho hòa bình, ổn định và sự phát triển dân chủ ở châu Âu. Hiện Mátxcơva và Kiev cáo buộc lẫn nhau làm đổ vỡ thỏa thuận 4 bên được ký tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 17-4 vừa qua.
Ngày 5-5, quân đội Ukraine tấn công vào các vị trí phòng thủ tại thị trấn miền đông Slavyansk, tiếp tục thực hiện “chiến dịch chống khủng bố” do chính phủ thân phương Tây tại Kiev phát động. Slavyansk được coi là thành trì của lực lượng ly khai chống chính quyền Kiev và ủng hộ liên bang hóa. Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov nói rằng, có một vài người thiệt mạng trong những cuộc giao tranh dữ dội, nhưng không tiết lộ những người chết thuộc bên nào. Báo New York Times của Mỹ cho biết, lực lượng tự vệ địa phương ở Slavyansk là người Ukraine chứ không phải người Nga như cáo buộc của chính phủ Kiev. Chính tờ báo này cũng bác bỏ sự liên quan của Nga trong các cuộc bạo loạn tại Slavyansk.
Đối với thành phố cảng miền nam Odessa, bên bờ Biển Đen, Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov nói rằng, ông đưa một lực lượng đặc biệt vào nơi đây sau khi cảnh sát thất bại trong việc đối phó với những người ly khai thân Nga. Theo đó, đơn vị đặc nhiệm Kiev 1, thuộc Vệ binh Quốc gia Ukraine, được triển khai tới Odessa. “Cảnh sát ở Odessa đã hành động thái quá”, ông Avakov viết trên trang facebook của mình. Những gì xảy ra ở Odessa trong những ngày qua là cảnh tượng đẫm máu nhất kể từ khi Tổng thống Viktor Yanukovich sang Mátxcơva lánh nạn vào tháng 2 và các chiến binh thân Nga tiến hành những cuộc nổi dậy.
Tuy nhiên, theo Reuters, thất bại trong việc kiểm soát tình hình ở Odessa là đòn giáng nặng nề về chính trị lẫn kinh tế đối với chính phủ Kiev, trong lúc các nhà chức trách vẫn cáo buộc Mátxcơva âm mưu chia cắt Ukraine. Odessa, thành phố chỉ có khoảng hơn 1 triệu dân, có 2 cảng biển và là một trung tâm vận tải quan trọng, bỗng chốc trở thành một “chảo lửa”. Giới quan sát cho rằng, bất ổn ở Odessa khiến người ta lo ngại về khả năng nội chiến. Và hơn hết, phương Tây càng quan ngại về sự chia rẽ, mâu thuẫn trong chính người dân Ukraine.
Nguyên nhân xuất phát từ việc người dân ở đông Ukraine không tin tưởng vào chính phủ lâm thời được thành lập và cảm thấy bị đe dọa sau khi Kiev đề xuất loại bỏ tiếng Nga trong danh sách ngôn ngữ chính thức. Ngoài ra, hệ lụy của bạo loạn ở khu vực đông Ukraine là việc các nước láng giềng thuộc NATO, Liên minh châu Âu (EU) sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng sâu sắc với Nga, khi hệ thống cung cấp năng lượng của Mátxcơva cho phương Tây phải đi qua Ukraine. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng, hạn chế sự phụ thuộc năng lượng vào Nga, lại trở nên “nóng” trên bàn nghị sự của hội nghị Bộ trưởng nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ngày 5 và 6-5 ở Rome (Ý).
Trong lúc đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel hy vọng cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine diễn ra vào ngày 25-5 sẽ tháo gỡ được khủng hoảng ở đất nước này. “Cuộc bầu cử sẽ không chỉ có ý nghĩa về sự ổn định mà còn là dấu hiệu mạnh mẽ về tương lai tốt đẹp hơn cho Ukraine”, người phát ngôn của Thủ tướng Đức Steffen Seibert nói.
BÌNH YÊN