Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á (WEF Đông Á) 2014 chính thức khai mạc chiều 22-5 tại thủ đô Manila, Philippines với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao của nhiều quốc gia, các tổ chức quốc tế cùng với hơn 600 đại biểu là các học giả uy tín và đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của khu vực và thế giới.
Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc WEF Đông Á, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, thời gian qua, Đông Á tiếp tục là khu vực phát triển năng động và tăng trưởng nhanh nhưng cũng đang đứng trước không ít thách thức. Do đó, Đông Á cần phải tạo thêm những động lực mới để tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh, không thể có phát triển nếu không có hòa bình và ổn định. Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào hòa bình, ổn định và lạc quan về tương lai hợp tác phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. “Tuy nhiên, nhìn lại toàn cảnh khu vực thời gian gần đây, tôi hoàn toàn chia sẻ với quan ngại của Giáo sư Klaus Schwab tại diễn đàn hôm nay cũng như tại Diễn đàn WEF được tổ chức tại Davos đầu năm 2014 là nguy cơ bất ổn đang tăng lên”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Trên thực tế, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đang diễn biến ngày càng phức tạp, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và an ninh khu vực. Hiện nay, trên 3/4 khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển và 2/3 số đó đi qua Biển Đông. “Bất ổn hay xung đột xảy ra tại đây sẽ làm gián đoạn lưu chuyển dòng hàng hóa to lớn này và nhiều nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều gánh chịu hậu quả khôn lường, thậm chí có thể làm đảo ngược tiến trình phục hồi kinh tế thế giới”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho biết, từ ngày 1-5-2014 đến nay, Trung Quốc đã sử dụng hơn 130 tàu, có cả tàu quân sự và máy bay bảo vệ để hạ đặt giàn khoan dầu vào vị trí sâu hơn 80 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Đây là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Hành động này của Trung Quốc đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Việt Nam luôn mong muốn hòa bình hữu nghị và đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí và sử dụng mọi kênh đối thoại để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Tuy nhiên, cho đến nay, Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục sử dụng sức mạnh, gia tăng các hành động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nghiêm trọng hơn.
“Cả dân tộc Việt Nam phản đối việc làm sai trái của Trung Quốc. Nhiều nơi, người dân tự phát biểu tình phản đối, trong đó một số người đã có những hành vi vi phạm pháp luật. Chính phủ Việt Nam đã ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm khắc đúng pháp luật. Tình hình đã hoàn toàn ổn định. Các doanh nghiệp đã được giúp đỡ hỗ trợ phù hợp và trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường”, Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trân trọng cảm ơn ASEAN, các nước và bạn bè trên thế giới đã chia sẻ và ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ giúp đỡ quý báu. Sự đoàn kết hợp tác của cộng đồng quốc tế là hết sức cần thiết để ngăn chặn các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. Thủ tướng mong muốn Diễn đàn Kinh tế thế giới tiếp tục đóng góp tích cực vào xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển thịnh vượng.
Phiên đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các doanh nghiệp tại diễn đàn đã thu hút sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp thành viên WEF quan tâm tới các cơ hội kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp đã có cơ hội trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về tình hình và triển vọng kinh tế Việt Nam, chính sách thu hút đầu tư và các biện pháp của Chính phủ Việt Nam nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang có những lợi thế để thu hút đầu tư nước ngoài, đó là cơ cấu dân số vàng, có khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng về nhân lực; việc tham gia liên kết khu vực và quốc tế (xây dựng Cộng đồng ASEAN và đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới) sẽ giúp Việt Nam trở thành đầu mối quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên G20; Việt Nam đang tích cực thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Thủ tướng khẳng định với những nỗ lực liên tục và thường xuyên của Chính phủ, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện hơn, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn hiệu quả, lâu dài tại Việt Nam. |
B.T tổng hợp