.
NGOẠI TRƯỞNG MỸ JOHN KERRY

"Hành động của Trung Quốc là sự khiêu khích"

.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng, việc Trung Quốc đặt giàn khoan và đưa các tàu vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành động khiêu khích. 

Sau khi đâm vào tàu Việt Nam, tàu 44044 của Trung Quốc bị vỡ mũi tàu. 					                                    Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam
Sau khi đâm vào tàu Việt Nam, tàu 44044 của Trung Quốc bị vỡ mũi tàu. Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam

Đây là lần đầu tiên Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lên tiếng kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou-981) cùng số lượng lớn tàu và máy bay vào hoạt động trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Phát biểu của ông Kerry được đưa ra trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 12-5.

Reuters và AFP dẫn lời người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết, ông Kerry nhấn mạnh Mỹ cực kỳ quan ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông; đồng thời thúc giục “các bên giảm căng thẳng, bảo đảm an toàn cho các tàu trên biển, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật quốc tế”.

Trước đó, phát biểu với báo giới cùng Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugan ở thủ đô Washington, ông cho biết, một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất gần đây “rõ ràng là thách thức của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa”. “Chúng tôi đặc biệt quan ngại - tất cả các quốc gia có hoạt động giao thông hàng hải ở vùng Biển Đông và vùng biển Hoa Đông đều rất quan ngại sâu sắc về hành động khiêu khích này. Chúng tôi muốn chứng kiến việc thiết lập một bộ quy tắc ứng xử. Chúng tôi muốn chứng kiến vấn đề này được giải quyết một cách hòa bình thông qua luật biển, thông qua trọng tài, thông qua mọi phương tiện khác, chứ không phải bằng sự đối đầu trực tiếp và những hành động hiếu chiến”, Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh. Phát biểu này của ông được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố.

Vi phạm luật pháp quốc tế

Tờ The Diplomat ngày 12-5 đăng bài phân tích của GS Carl Thayer - chuyên gia về Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Úc, ĐH New South Wales - nhận định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong lô 143 thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là bất ngờ, khiêu khích và bất hợp pháp. Ông Thayer gọi đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Theo GS, đây là một động thái bất ngờ vì mối quan hệ Trung Quốc - Việt Nam đang trên quỹ đạo đi lên kể từ sau chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hồi tháng 10 năm ngoái. Vào thời điểm đó, cả hai bên cho biết đã đạt được thỏa thuận để tiếp tục thảo luận về các vấn đề hàng hải. GS Thayer cũng nói rằng, động thái của Trung Quốc bất ngờ vì Việt Nam đã không có bất kỳ hành động khiêu khích nào để có thể dẫn đến hành động chưa từng có của Bắc Kinh.

TTXVN dẫn lời GS Carl Thayer mô tả việc Trung Quốc đặt giàn khoan là sự khiêu khích vì kèm theo 80 tàu, trong đó có 7 tàu chiến của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Ông nhận định: khi Việt Nam cử tàu Cảnh sát biển để bảo vệ chủ quyền tài phán của mình, Trung Quốc đã phản ứng bằng cách ra lệnh cho đội tàu sử dụng vòi rồng và cố ý đâm tàu Việt Nam. Những hành động này không chỉ rất nguy hiểm, mà còn gây thương tích cho thủy thủ Việt Nam.

Trong bài viết nhan đề “Tình hình Biển Đông xấu đi với hành động ngang ngược của Trung Quốc”, tác giả Dipanjan Chaundhary thuộc báo Economic Times của Ấn Độ bình luận: sự hiếu chiến gần đây được khởi xướng do Hải quân Trung Quốc chống lại lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam tại Biển Đông tiếp sau vụ Trung Quốc lắp đặt giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền của Việt Nam là bài học cho nhiều nước, trong đó có Ấn Độ, khi có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Diễn biến này làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông. “Ấn Độ với những lợi ích kinh tế và chiến lược mở rộng tại khu vực đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc với những diễn biến mới nhất này”, bài viết nêu rõ.

Tác giả Dipanjan Chaundhary cho hay, Ấn Độ đã kiên định lập trường duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông - nơi tập đoàn ONGC gần đây đã được Chính phủ Việt Nam dành cho một số lô dầu khí. Ấn Độ đã tăng cường quan hệ quốc phòng với Việt Nam và quốc gia Nam Á này đang giám sát chặt chẽ tình hình khu vực có thể ảnh hưởng tới lợi ích của mình. “Sự hiếu chiến của Bắc Kinh về vấn đề tranh chấp lãnh thổ có thể là thách thức cho chính phủ mới tại New Delhi khi Ấn Độ đang cố gắng quản lý quan hệ với nước láng giềng phía bắc”, bài báo viết.

GS G.V.C Naidu, giảng viên tại Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thuộc Trường ĐH tổng hợp Jawaharlal Nehru ở New Delhi, cũng bày tỏ quan điểm của mình. Ông nói: “Bắc Kinh đang kết hợp đe dọa về vật chất và một dạng trò chơi tâm lý để làm cho các đối thủ kiệt sức với âm mưu chiếm dần Biển Đông”.

GS Naidu phân tích rằng, vụ tàu Trung Quốc đâm vào tàu Việt Nam và tự cho phép mình tiến hành các hoạt động thăm dò tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động vi phạm nghiêm trọng. Cũng theo ông, phải gửi thông điệp tới Bắc Kinh thông báo rằng nếu họ không hành động phù hợp với các nguyên tắc quốc tế thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm với bất kỳ hậu quả nào. Riêng Việt Nam cần phải tổ chức các hội nghị, tham vấn với các nhà lãnh đạo chính trị, các chuyên gia để tăng sự quan tâm của họ, đồng thời nói rõ thực tế về tranh chấp và huy động sự ủng hộ của tất cả các tầng lớp đối với vấn đề này.

“Uy tín và lòng tin đối với Chính phủ Trung Quốc sẽ sụt giảm”

Trong khi các nước tiếp tục phản ứng mạnh mẽ hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, chính các chuyên gia Trung Quốc cũng phản ứng và cho rằng, khi Bắc Kinh gây căng thẳng trên Biển Đông, “nạn nhân lớn nhất” sẽ là cường quốc châu Á này, bởi “uy tín và lòng tin đối với chính phủ Trung Quốc sẽ sụt giảm”.

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng bản tiếng Anh số ra ngày 12-5 dẫn lời PGS Wei Min (thuộc Viện Nghiên cứu Á - Phi tại ĐH Bắc Kinh nhấn mạnh: “Nếu vụ việc không được giải quyết sớm, dù lời giải thích mà chính phủ Trung Quốc đưa ra như thế nào đi nữa thì uy tín và lòng tin đối với Chính phủ Trung Quốc sẽ sụt giảm mạnh mẽ. Và điều này sẽ làm tồi tệ hơn tình hình bất ổn ở Biển Đông”.

Học giả hàng đầu Trung Quốc Lý Lệnh Hoa cũng từng cho rằng, Trung Quốc là nước ký Công ước LHQ về Luật Biển 1982. Vì vậy, nước này phải tôn trọng chủ trương thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước xung quanh.

Dư luận đánh giá cao Tuyên bố của ASEAN về Biển Đông

Việc ASEAN ra Tuyên bố về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 24 vừa diễn ra ở thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar đã được nhiều nhà lãnh đạo, các chuyên gia, học giả và báo chí quốc tế đánh giá cao.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định: ASEAN cần có quan điểm về tình hình hiện nay ở Biển Đông vì an ninh, ổn định của khu vực phụ thuộc vào những gì xảy ra tại vùng biển này. Theo ông, ASEAN cần thể hiện quan điểm chung về tình hình Biển Đông vì các cuộc xung đột “xảy ra ngay tại cửa ngõ của chúng ta”.

Tại Manila, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết, ông hài lòng vì sự “đồng thuận” của các nhà lãnh đạo ASEAN và bản tuyên bố chung. Còn Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nói với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng rằng, Jakarta có thể giúp điều phối liên lạc giữa Hà Nội và Bắc Kinh để giải quyết vấn đề, không để căng thẳng leo thang.

Trong khi đó, các chuyên gia nhấn mạnh đây là lần đầu tiên một lập trường chung cứng rắn về tình hình căng thẳng ở Biển Đông mà ASEAN đưa ra. Một tuyên bố riêng về Biển Đông có ý nghĩa quan trọng vì nó thể hiện sự ủng hộ đối với Việt Nam.

GS Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Úc, ĐH New South Wales, nhấn mạnh: “Tuyên bố mà các Ngoại trưởng ASEAN đưa ra là văn bản độc lập và không bị khuất lấp trong tuyên bố chung dài hơn của hội nghị. Điều này rất có ý nghĩa, nêu bật sự đoàn kết của ASEAN trước thực tế rằng những diễn biến hiện nay ở Biển Đông là nguồn gốc gây quan ngại nghiêm trọng bởi nó làm gia tăng căng thẳng”.

Phân tích của hãng tin AFP cho rằng, ASEAN đã lập nên “mặt trận thống nhất” nhằm phản đối hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông.

TTXVN

B.T tổng hợp từ Reuters, AFP, TTXVN

;
.
.
.
.
.