.

Nhân dân Việt Nam ước nguyện sống trong hòa bình

.

Hạ nghị sĩ Mỹ Jason Chaffetz vừa có tuyên bố về việc Trung Quốc gây ra tình trạng căng thẳng leo thang ở Biển Đông, và cho rằng cũng như các dân tộc khác trên thế giới, nhân dân Việt Nam có ước nguyện chung sống hòa bình cùng thịnh vượng với sự tôn trọng của các nước láng giềng.

Tàu Hải cảnh của Trung Quốc hung hãn tiến sát, đâm vào và phun vòi rồng vào tàu kiểm ngư Việt Nam.  							     Ảnh: ĐẮC MẠNH
Tàu Hải cảnh của Trung Quốc hung hãn tiến sát, đâm vào và phun vòi rồng vào tàu kiểm ngư Việt Nam. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Tuyên bố của Hạ nghị sĩ Mỹ Jason Chaffetz khẳng định việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông, ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa, là rất đáng quan ngại. Tuyên bố nêu rõ: vụ việc xảy ra là mới nhất trong “một loạt các hành động của Bắc Kinh đã gây cảm giác bất an ngày càng tăng trong khu vực”. Ông Chaffetz nhấn mạnh: “Từ các chuyến thăm gần đây tới khu vực này, tôi biết người dân Việt Nam có chung ước nguyện căn bản nhất như các dân tộc khác, đó là chung sống hòa bình và thịnh vượng, với sự tôn trọng của các nước láng giềng. Tôi tin rằng, nước Mỹ cần giữ vai trò lãnh đạo lịch sử trong khu vực nhằm bảo đảm những nguyện ước phước lành này cho cả người dân Mỹ và người dân châu Á - Thái Bình Dương”.

Trung Quốc bất chấp lợi ích của nước khác

Trong lúc đó, GS,TS người Đức, ông Wilfried Lulei - nhà khoa học nghiên cứu về châu Á, khẳng định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. GS,TS Lulei nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông vi phạm luật pháp quốc tế, không được các nước liên quan trong khu vực chấp nhận và cũng đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước trên thế giới. Cũng theo ông Lulei, việc làm này của Trung Quốc đã bất chấp tuyên bố chủ quyền lãnh thổ cũng như lợi ích của Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Ông tuyên bố ủng hộ các đề nghị của Việt Nam, theo đó yêu cầu Trung Quốc phải lập tức ngừng các hành động ngang ngược, đồng thời cần tuân thủ Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký kết năm 2002.

Xung quanh vấn đề căng thẳng trên Biển Đông, cuối tuần qua, tờ The Sydney Morning Herald của Úc đăng tải bài viết với tiêu đề “Động thái hàng hải của Bắc Kinh làm leo thang căng thẳng khu vực”, trong đó nhận định Bắc Kinh biết rõ việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 là “hành động khiêu khích”. Tờ báo chỉ trích các hành động của Trung Quốc “làm gia tăng căng thẳng một cách nguy hiểm trên Biển Đông”. The Sydney Morning Herald cho biết, các nhà hoạch định chiến lược tại Úc và khu vực đang tìm hiểu lý do Trung Quốc chọn thời điểm này để leo thang căng thẳng với Việt Nam. Các nhà phân tích của Úc cho rằng, các động thái gần đây của Trung Quốc phù hợp với ý đồ đẩy mạnh việc đánh giá phản ứng của các nước láng giềng trong cuộc đấu lâu dài nhằm kiểm soát Biển Đông.

Trung Quốc đang đơn độc

Nhiều nhận định của các nhà quan sát được đưa ra khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 và những hành động của Bắc Kinh trong thời gian qua trên Biển Đông. Ông Anton Svetov, chuyên viên điều phối các chương trình nghiên cứu Đông Nam Á của Hội đồng đối ngoại Nga, cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc hiện trong tình thế rất khó khăn. Một mặt Bắc Kinh cần phải giữ thể diện của một cường quốc có khả năng gây ảnh hưởng đối với các quốc gia láng giềng; song mặt khác, rất khó có thể hình dung một quốc gia nào đó trên thế giới lại ủng hộ hành động này của Trung Quốc. Nghĩa là thuyết “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc sớm hay muộn cũng sẽ bị phương hại và khi đó Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ phải đón nhận các hậu quả tiêu cực. Theo ông Svetov, các nước liên quan tranh chấp hoàn toàn có thể lợi dụng điều này của Trung Quốc để đưa ra đề nghị “nếu để yên thì sẽ im lặng”, và Việt Nam là một trong những nước đầu tiên có cơ hội giải quyết xung đột bằng phương pháp này.

Còn theo ông Alexay Fenenko, PGS Học viện Ngoại giao Nga, chuyên viên Viện Nghiên cứu các vấn đề an ninh quốc tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, Trung Quốc không hề có một láng giềng tốt nào đúng nghĩa bởi với nước nào Bắc Kinh cũng có xung đột lãnh thổ. Có thể thấy Trung Quốc tranh chấp lần lượt với Ấn Độ, Kyrgyzstan, Kazhakhstan, Nga, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam. Rõ ràng khi Trung Quốc có vấn đề với tất cả các quốc gia láng giềng thì Bắc Kinh cần phải xem xét lại chính sách của mình.

B.T tổng hợp
 

;
.
.
.
.
.