.

Nhật Bản sẵn sàng hợp tác an ninh với ASEAN

.

Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào tối nay (30-5), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến nhấn mạnh cam kết của Tokyo đối với an ninh khu vực. 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ phát biểu tại diễn đàn an ninh ở Singapore vào tối nay (30-5). 								               Ảnh: AFP
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ phát biểu tại diễn đàn an ninh ở Singapore vào tối nay (30-5). Ảnh: AFP

Báo Sankei Shimbun của Nhật Bản cho biết, tại diễn đàn ở Singapore với sự tham dự của các chuyên gia quốc phòng, an ninh châu Á, Mỹ và Úc, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tuyên bố nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và đối tác Mỹ sẵn sàng cùng nhau thúc đẩy hợp tác an ninh với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Theo AFP, các tranh chấp đang leo thang ở khu vực sẽ phủ bóng Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á ở Singapore. Trong đó, Thủ tướng Nhật Bản sẽ thể hiện quan điểm của Tokyo là một đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

AFP dẫn lời Giáo sư khoa học chính trị Koichi Nakano ở Đại học Sophia của Tokyo cho rằng, Thủ tướng Abe có thể tuyên bố mục đích của ông trong việc thúc đẩy vai trò năng động hơn của Nhật ở châu Á bằng việc dùng liên minh Mỹ - Nhật làm nền tảng. Trong khi đó, theo chuyên gia an ninh hàng hải Corey Wallace tại Đại học Auckland ở New Zealand, cách ứng xử của Trung Quốc có thể khiến ông Abe thúc đẩy hợp tác rõ ràng hơn với ASEAN.

Thủ tướng Abe đã đề nghị ủng hộ cả Philippines lẫn Việt Nam bằng hình thức hỗ trợ các tàu lực lượng phòng vệ bờ biển và bằng những tuyên bố công khai. Tháng 12 năm ngoái, Nhật đã đồng ý cho Philippines vay 18,7 tỷ yen (183 triệu USD) để mua 10 chiếc tàu do Nhật chế tạo.

Theo Kyodo, trong bài phát biểu mở đầu cho Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á kéo dài 3 ngày, Thủ tướng Abe sẽ thúc giục Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, ông Abe sẽ kêu gọi “thảo luận mang tính xây dựng” để xoa dịu căng thẳng giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN, cũng như giữa Bắc Kinh với Tokyo. “Xem xét tình hình đang căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông, chúng tôi hy vọng tại diễn đàn (ở Singapore) sẽ diễn ra các cuộc thảo luận mang tính xây dựng để thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực”, ông Yoshihide Suga nói.

Kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, Thủ tướng Shinzo Abe chú trọng quan hệ với các nước ASEAN và từng ít nhất một lần đến thăm tất cả 10 thành viên của hiệp hội này. Tuy nhiên, ông chưa đến Trung Quốc và cũng chưa có cuộc gặp gỡ song phương với Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhật Bản và Trung Quốc hiện tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

AP cho biết, Philippines hoan nghênh việc Nhật Bản mở rộng vai trò của mình ở châu Á. “Những gì Nhật Bản đang làm là sự cảm thông với chúng tôi”, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn báo giới ở Manila.

Ông Malcolm Cook, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nhận định các nước ASEAN có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông sẽ ủng hộ các tuyên bố của Thủ tướng Abe.

Reuters cho rằng, ngoài Philippines hoan nghênh đóng góp để tăng cường an ninh và ổn định ở khu vực, các nước khác như Malaysia, do quan hệ kinh tế nên tỏ ra thận trọng trong việc bày tỏ sự tức giận đối với Trung Quốc. Một số nước khác như Campuchia, Myanmar và Lào có thể không ủng hộ phát biểu của Thủ tướng Nhật.

Về phía Mỹ, trong bài phát biểu tại Học viện quân sự West Point (New York), Tổng thống Barack Obama khẳng định Washington ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á trong quá trình đàm phán với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), đồng thời kêu gọi các bên phối hợp giải quyết các tranh chấp bằng luật pháp quốc tế. Sự gây hấn mang tính khu vực dù chỉ xảy ra ở miền nam Ukraine, Biển Đông hay bất cứ nơi nào trên thế giới, nhưng nếu không được kiểm soát thì cuối cùng ảnh hưởng các đồng minh và có thể khiến quân đội Mỹ vào cuộc”, AFP dẫn lời Tổng thống Obama nói.

Tại cuộc thảo luận bàn tròn ở Singapore với chủ đề “Căng thẳng leo thang ở Biển Đông và những tác động đến an ninh khu vực”, TS Leszek Buszynski (Đại học Quốc gia Úc) nhấn mạnh: “Có rất ít cơ sở pháp lý cho đường 9 đoạn mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông và bản thân Trung Quốc cũng có khó khăn rất lớn trong việc tìm cách chứng minh cho luận điệu của mình”.

GS,TS K.S.Nathan (Đại học Quốc gia Malaysia) cho rằng: “Việc sử dụng vũ lực để dọa nạt bất kỳ quốc gia có tranh chấp chủ quyền sẽ chỉ phản tác dụng. Đó là lý do tại sao các đối tác bên ngoài giờ đây ngày càng quan tâm đến tranh chấp Biển Đông, bởi họ quan tâm đến lợi ích an toàn vận tải biển, tự do thông thương, tự do thương mại, mà nhờ đó Đông Nam Á và châu Á đã phát triển thịnh vượng lâu nay”.

Các diễn giả cũng cho rằng mặc dù còn nhiều thách thức khác trên Biển Đông đối với ASEAN như cướp biển, khủng bố, buôn người, nhưng có thể nói rằng tranh cãi chủ quyền giờ đây là rào cản lớn nhất trong nỗ lực nhằm tạo ra một trật tự tốt đẹp trong khu vực của ASEAN.

TTXVN

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.