Cựu Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan Chaturon Chaisang bị quân đội bắt giữ vào ngày 27-5 sau khi ông có bài phát biểu cho rằng, cuộc đảo chính hồi tuần trước là thảm họa đối với quốc gia Đông Nam Á này.
Ông Chaturon Chaisang là một trong những nhân vật, học giả, nhà báo và các nhà hoạt động đối lập bị quân đội triệu tập sau cuộc đảo chính. Song, ông lẩn trốn và từ chối ra trình diện.
AP cho biết, ông Chaturon bị bắt trước các nhà báo tại Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài ở thủ đô Bangkok, nơi ông đã có bài phát biểu chỉ trích cuộc đảo chính. Trả lời phỏng vấn báo giới lúc đó, cựu Bộ trưởng Chaturon khẳng định đã sẵn sàng bị bắt giữ. “Tôi không sợ. Nếu tôi sợ thì tôi đã không có mặt ở đây”, ông nói.
Theo ông Chaturon, cuộc đảo chính là thảm họa đối với Thái Lan và đây cũng là lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng của một thành viên trong chính phủ vừa bị lật đổ. “Tôi vẫn nghĩ rằng, đảo chính là điều tồi tệ cho đất nước. Đảo chính hủy bỏ nền dân chủ và sẽ mang đến thảm họa cho quốc gia này”, ông Chaturon nói. Ông nhấn mạnh, đảo chính không phải là giải pháp cho các vấn đề hoặc xung đột ở Thái Lan, nhưng sẽ làm xung đột trở nên tồi tệ hơn. Đồng thời, vị cựu Bộ trưởng Giáo dục này kêu gọi bầu cử.
Các nhà quan sát cũng cho rằng, đảo chính có thể không hàn gắn được sự chia rẽ sâu sắc ở Thái Lan, vốn bắt nguồn từ vụ đảo chính quân sự vào năm 2006 lật đổ ông Thaksin Shinawatra.
Đến nay, quân đội đã triệu tập tổng cộng 258 người. Chưa rõ có bao nhiêu người đang bị giam giữ, nhưng một số đã được phóng thích, trong đó có cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra - người bị Tòa án Hiến pháp phế truất vào ngày 7-5 vừa qua. Ai không đến trình diện có thể bị tuyên án tù giam lên đến 2 năm.
Thực tế, cảnh báo của quân đội Thái Lan về việc ngừng chỉ trích cuộc đảo chính cũng không ngăn được những người biểu tình xuống đường phố. Lực lượng biểu tình vẫn tập trung, kêu gọi tổ chức bầu cử, bất chấp thiết quân luật. Những người ủng hộ gia tộc Shinawatra từng tuyên bố chống lại bất kỳ cuộc đảo chính nào. Tuy nhiên, trợ lý phát ngôn viên quân đội Winthai Suvaree nói rằng, lực lượng của ông sẽ mạnh tay với những người chống đối. “Nếu họ không trở về nhà trước 22 giờ theo giờ giới nghiêm, chúng tôi phải bắt giữ họ”, ông Winthai nói. Theo Tướng Preecha Chan-ocha, em trai của Tướng Prayuth Chan-ocha, quân đội hiện giám sát chặt chẽ hoạt động của phong trào áo đỏ.
THIÊN BÌNH