Những người biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan muốn lật đổ quyền Thủ tướng Niwatthamrong Boonsongphaisan và thiết lập một chính phủ mới.
Quyền Thủ tướng Niwatthamrong Boonsongphaisan nắm quyền thay bà Yingluck Shinawatra. Ảnh: Reuters |
Ngày 19-5, quyền Thủ tướng Niwatthamrong Boonsongphaisan bác bỏ việc từ chức, vốn được những người biểu tình chống chính phủ cho là giải pháp để đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài. Bộ trưởng Thương mại Niwatthamrong đã được chọn làm Thủ tướng lâm thời, thay thế bà Yingluck Shinawatra. Song, những người biểu tình cho rằng, ông Niwatthamrong không có đủ tư cách pháp lý để làm quyền Thủ tướng và họ muốn một chính phủ trung lập nhằm thúc đẩy các cải cách.
Reuters cho biết, ông Niwatthamrong đã gặp gỡ các nghị sĩ của Thượng viện, nỗ lực phá vỡ sự bế tắc. Song, ông nói với các nhà lập pháp rằng, ông sẽ không từ chức. “Xét về mọi phương diện, nội các hiện tại là hợp pháp. Chính phủ phải đảm nhiệm công việc cho đến khi bầu được nội các mới”, ông Niwatthamrong nhấn mạnh trong một tuyên bố sau cuộc gặp gỡ.
Sau khi bà Yingluck giải tán Quốc hội vào tháng 12 năm ngoái, Hạ viện Thái Lan không còn hoạt động. Là cơ quan lập pháp duy nhất trong lúc này, Thượng viện khẳng định có thể chọn một Thủ tướng lâm thời nhưng muốn chính phủ hiện tại phải từ chức trước. Thành ra, cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan kể từ khi bà Yingluck cùng 9 thành viên nội các bị phế truất vào ngày 7-5 vừa qua vì tội lạm dụng quyền lực vẫn chưa được tháo gỡ.
6 tháng khủng hoảng với các cuộc biểu tình bạo lực và cuộc tổng tuyển cử không thành công khiến tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á sụt giảm 0,6% trong quý đầu năm nay. Ủy ban Phát triển xã hội và kinh tế quốc gia (NESDB) cắt giảm dự đoán tăng trưởng trong năm 2014 của Thái Lan từ mức 3-4% xuống còn 1,5 - 2,5%. NESDB cho rằng, nền kinh tế của Thái Lan trong năm nay có khả năng tăng trưởng với tốc độ chậm do kết quả của tình trạng suy giảm trong quý 1 và bất ổn chính trị cũng sẽ góp phần làm hạn chế tăng trưởng.
Thủ đô Bangkok hiện vẫn chia rẽ giữa một bên là lực lượng trung thành với cựu Thủ tướng Yingluck và anh trai của bà- ông Thaksin Shinawatra, với một bên là những người biểu tình thuộc tầng lớp trung lưu và phe bảo hoàng. Cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban, dẫn đầu phe biểu tình, muốn chính phủ lâm thời phải từ nhiệm ngay lập tức. Ông Suthep nói rằng, từ ngày 19-5, lực lượng của ông sẽ quyết tâm loại bỏ những tàn tích của chế độ Thaksin. “Các bộ trưởng hãy từ chức”, ông Suthep kêu gọi.
Ngày 19-5 cũng đánh dấu tròn 4 năm diễn ra cuộc trấn áp đẫm máu của chính phủ do Đảng Dân chủ lãnh đạo nhằm vào những người biểu tình áo đỏ. Lúc đó, ông Suthep làm Phó Thủ tướng. Cả ông Suthep lẫn cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva hiện đối mặt với các cáo buộc giết người khi ra lệnh cho quân đội trấn áp các cuộc biểu tình, làm hơn 90 người chết vào tháng 5-2010.
Lãnh đạo phe áo đỏ Jatuporn Prompan ngày 19-5 cũng tuyên bố sẽ bảo vệ quyền của người dân Thái Lan “cho đến hơi thở cuối cùng”. Trong khi đó, các nghiệp đoàn có kế hoạch đình công vào ngày 22-5 để thúc đẩy việc lật đổ ông Niwatthamrong. Trước tình hình này, Bộ trưởng Giao thông Chadchart Sittipunt lên tiếng yêu cầu các nhân viên ngành của ông không tham gia đình công.
THIÊN BÌNH