.

Sau đảo chính, Thái Lan chưa yên tĩnh

.

Lãnh đạo đảo chính quân sự, Tướng Prayuth Chan-ocha, cảnh báo ông sẽ dùng vũ lực nếu các cuộc biểu tình vẫn diễn ra.

Quân đội bắt giữ một người biểu tình ở Bangkok. Ảnh: Reuters
Quân đội bắt giữ một người biểu tình ở Bangkok. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại cuộc họp báo đầu tiên vào ngày 26-5 kể từ khi nắm quyền, Tướng Prayuth Chan-ocha khẳng định sẽ dùng vũ lực và áp dụng nghiêm khắc luật với những người biểu tình chống đảo chính. Tướng Prayuth ngay trước đó cũng chính thức nhận sắc lệnh Hoàng gia bổ nhiệm ông làm Chủ tịch Hội đồng Hòa bình và Trật tự quốc gia (NCPO) - một hội đồng an ninh sẽ điều hành đất nước. Song, lễ bổ nhiệm tại trụ sở quân đội ở Bangkok không có sự tham dự của Quốc vương 86 tuổi Bhumibol Adulyadej do tình trạng sức khỏe.

Theo sắc lệnh hoàng gia, việc bổ nhiệm ông Prayuth đứng đầu NCPO nhằm “khôi phục hòa bình và trật tự tại nước này cũng như vì sự đoàn kết”. Sắc lệnh cũng cho hay, ông Prayuth từng cảnh báo rằng, tình trạng bạo lực ở Bangkok và các khu vực khác trên đất nước Thái Lan có nguy cơ lan rộng, đồng thời có thể gây phương hại đến an ninh quốc gia.

AP cho biết, Tướng Prayuth không nói rõ quân đội sẽ nắm quyền trong bao lâu mặc dù ông vẫn bày tỏ hy vọng bầu cử sẽ sớm diễn ra. Ông cũng nói rằng sẽ thành lập một hội đồng cố vấn nhưng không cho biết chi tiết về việc hình thành chính phủ mới. “Mọi người phải giúp tôi. Đừng chỉ trích, đừng tạo ra những rắc rối mới”, người nắm giữ quyền lực nhất ở Thái Lan trong lúc này kêu gọi. Ông nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất phải làm lúc này là giữ hòa bình và trật tự”.

Theo các nhà chức trách, phát biểu của ông Prayuth có thể khơi mào cho những phản ứng trái chiều ở một đất nước trải qua nhiều năm khủng hoảng, mâu thuẫn giữa phe bảo hoàng với lực lượng thân Thaksin Shinawatra. Bạo lực bùng phát vào tháng 11 năm ngoái với các cuộc biểu tình chống chính phủ đến nay đã làm ít nhất 28 người chết và hơn 800 người khác bị thương. Điều này khiến mọi người lo ngại nếu quân đội trấn áp những người biểu tình thì sẽ có thảm kịch tương tự.

Cuộc đảo chính quân sự lần thứ hai trong 8 năm diễn ra chớp nhoáng cũng đánh dấu sự bất ổn chính trị nghiêm trọng ở Thái Lan. Hiện chưa rõ những cải cách mà Tướng Prayuth nói đến là gì và ông có trở thành Thủ tướng hay không.

Quân đội đã trả tự do cho cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra vào ngày 26-5 và bà đã trở về nhà. Một trợ lý của bà Yingluck xác nhận thông tin này. Còn ông Suthep Thaugsuban, lãnh đạo phe biểu tình chống chính phủ của bà Yingluck, cũng được phóng thích nhưng bị truy tố tội danh giết người.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.