.

Thái Lan ban bố tình trạng thiết quân luật

.

Quân đội Thái Lan bất ngờ ban bố tình trạng thiết quân luật trên cả nước nhưng khẳng định động thái này không phải là đảo chính.

Các binh sĩ Thái Lan tuần tra ở trung tâm Bangkok ngày 20-5.                                Ảnh: AP
Các binh sĩ Thái Lan tuần tra ở trung tâm Bangkok ngày 20-5. Ảnh: AP

Tình trạng thiết quân luật được ban bố nhằm khôi phục trật tự sau 6 tháng biểu tình diễn ra trên đường phố. Theo đó, quân đội tuần tra ở Bangkok, canh gác các đài truyền hình, đài truyền thanh ở thủ đô. Lệnh thiết quân luật do Tư lệnh quân đội Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha ký ban hành. Văn bản dẫn một điều luật năm 1914 cho phép quân đội có quyền can thiệp trong các tình huống khủng hoảng, đồng thời nêu lý do là các cuộc đối đầu giữa hai phe chính trị có thể làm ảnh hưởng đến an ninh đất nước, tổn hại sinh mạng và tài sản của người dân.

Reuters dẫn lời Tướng Prayuth Chan-ocha nói rằng quân đội đảm trách an ninh công cộng bởi các cuộc biểu tình bạo lực đã làm nhiều người thiệt mạng và gây thiệt hại nặng nề cho Thái Lan. Kể từ khi biểu tình bùng phát vào tháng 11 năm ngoái, đến nay đã có 30 người chết và hơn 700 người khác bị thương. “Để giữ luật pháp và trật tự của đất nước, chúng tôi tuyên bố tình trạng thiết quân luật”, Tướng Prayuth Chan-ocha lý giải. Ông cũng yêu cầu tất cả các nhóm ngừng mọi hoạt động và hợp tác với quân đội để đưa Thái Lan ra khỏi khủng hoảng. Kênh truyền hình quân đội Thái cũng khẳng định thiết quân luật nhằm “vãn hồi hòa bình và trật tự cho tất cả mọi người”, hành động này không phải là cuộc đảo chính.

Cũng theo Reuters, khác với các cuộc đảo chính, với tình trạng thiết quân luật lần này, chính phủ lâm thời vẫn hoạt động. Chính phủ của Thủ tướng tạm quyền Niwatthamrong Boonsongphaisan hoan nghênh việc khôi phục trật tự, thúc giục quân đội hành động theo hiến pháp và không bạo lực. Bộ trưởng Tư pháp Chaikasem Nitisiri cho biết, chính phủ không được quân đội thông báo về việc ban bố thiết quân luật nhưng nội các vẫn hoạt động bình thường. Ngay trong ngày 20-5, ông Niwatthamrong triệu tập nội các họp khẩn cấp để bàn thảo tình hình.

Với một đất nước từng trải qua 18 cuộc đảo chính trong 8 thập niên, gần đây nhất là vụ lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra năm 2006, những người ủng hộ chính phủ không thể không lo ngại nguy cơ đảo chính một lần nữa. Lãnh đạo phong trào áo đỏ thân chính phủ, ông Jatuporn Prompan, cho hay lực lượng này có thể chấp nhận tình trạng thiết quân luật nhưng sẽ không “dung thứ cho một cuộc đảo chính hay bất kỳ biện pháp phi hiến pháp nào khác”.  

Trong khi đó, những người chống chính phủ hiện muốn có một Thủ tướng “trung lập” để giám sát hoạt động cải cách bầu cử nhằm chấm dứt ảnh hưởng của ông Thaksin. Chính phủ lâm thời xem cuộc tổng tuyển cử sớm là giải pháp tốt nhất.

Theo các nhà quan sát, từ năm ngoái, quân đội nỗ lực làm trung gian hòa giải, đưa Thủ tướng lúc đó là bà Yingluck Shinawatra với thủ lĩnh phe biểu tình - cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban ngồi vào bàn đàm phán. Quân đội cũng bác bỏ những quan ngại về đảo chính và nhấn mạnh rằng các chính trị gia phải giải quyết khủng hoảng của đất nước. Tuy nhiên, với tình trạng thiết quân luật lần này, một nhà phân tích gọi hành động của quân đội là “bóng ma đảo chính”, bởi không có sự tham vấn với chính phủ và theo đó, “quân đội sẽ dần dần mở rộng quyền lực”.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.