.
Thế giới tuần qua

Odessa đẫm máu và nguy cơ nội chiến

.

Với 46 người chết và hơn 200 người khác bị thương trong các cuộc đụng độ đẫm máu giữa phe ủng hộ chính phủ Kiev và phe thân Nga tại thành phố cảng miền nam Odessa (Ukraine), nội chiến sẽ là điều khó tránh khỏi ở quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ.

Những người biểu tình xung đột với cảnh sát tại Odessa.  		            Ảnh: EFE/EP
Những người biểu tình xung đột với cảnh sát tại Odessa. Ảnh: EFE/EP

Hãng RIA Novosti gọi vụ bạo lực ở Odessa là thảm kịch. Trong khi đó, truyền thông phương Tây cho rằng, chiến tranh chỉ gần Ukraine trong gang tấc.  

Bạo lực ở Odessa xảy ra cùng thời điểm với việc chính phủ Ukraine phát động “chiến dịch chống khủng bố” nhằm đòi lại quyền kiểm soát các khu vực ly khai ở miền đông, nơi những tay súng nổi loạn thân Nga tuyên bố lập “Nước cộng hòa nhân dân Donetsk”. Ông Vasyl Krutov - người đứng đầu trung tâm chống khủng bố do chính phủ Ukraine lập nên - nói với báo giới: “Những gì chúng ta đang đối mặt tại Donetsk và các khu vực phía đông không chỉ là cuộc nổi loạn trong thời gian ngắn, mà thực chất đó là chiến tranh”.

Theo ông Dmitry Peskov - người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, thảm kịch ở Odessa thật sự là tội ác khi những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan thiêu sống những người không có vũ khí. Nạn nhân hầu hết là những người ly khai thân Nga. Ông Peskov quy trách nhiệm cho chính phủ Kiev và phương Tây. “Kiev và các nhà bảo trợ phương Tây thực chất đang kích động gây đổ máu và phải chịu trách nhiệm về điều này”, người phát ngôn Peskov nói. Nga cho rằng, Ukraine đang lao vào thảm họa và kêu gọi Kiev ngừng cuộc chiến chống lại chính người dân nước này. Thậm chí, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov dùng từ “huynh đệ tương tàn” để chỉ nói về “hoạt động trả thù ở đông nam Ukraine”.

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Ukraine đổ lỗi cho những người biểu tình thân Nga. Kiev cáo buộc thủ phạm chính là những người biểu tình nước ngoài đến từ Transdniestria - khu vực ly khai ủng hộ Nga ở Moldova. Odessa nằm ở tây nam Ukraine, cách xa khu vực phía đông do lực lượng nổi dậy nắm giữ và cách biên giới Nga. Song, Odessa nằm gần khu vực Transdniestria, nơi có quân đội Nga đồn trú, nên Kiev có lý do để đổ lỗi cho Mátxcơva.

Mỹ và phương Tây kêu gọi Nga tháo gỡ khủng hoảng, nhưng Mátxcơva tuyên bố không thể một mình giải quyết cuộc khủng hoảng đang leo thang và Điện Kremlin cũng không còn ảnh hưởng gì đối với các phiến quân ở đông Ukraine.

Các bên hiện cáo buộc lẫn nhau. Tuyên bố chung Geneva được 4 bên (Nga, Ukraine, Mỹ và Liên minh châu Âu) ký ngày 17-4 đang đổ vỡ. Cơ quan đối ngoại châu Âu đòi điều tra độc lập để xác định nguyên nhân xảy ra thảm kịch Odessa và đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra công lý. Song, điều lo ngại nhất vẫn là tình hình đã vượt tầm kiểm soát của Kiev, như Thủ tướng lâm thời Arseniy Yatseniuk thừa nhận. Ông Yatseniuk nói rằng, Kiev đã hoàn toàn mất quyền kiểm soát và phụ thuộc vào người dân địa phương, phụ thuộc vào việc họ có ủng hộ hòa bình và an ninh hay không.

Với những chia rẽ và khác biệt quá lớn, “cuộc chiến chống khủng bố” của chính phủ Kiev như con dao hai lưỡi, bởi hoạt động này có thể đẩy Ukraine vào nội chiến và càng khơi mào cho mâu thuẫn, đe dọa cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức vào ngày 25-5 tới.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.