ĐNĐT - Ngày 22-5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã phát họa nên hai viễn cảnh châu Á trong 2 thập niên tới.
Theo đó, châu Á hoặc sẽ là một khu vực hòa bình với các nước cùng hợp tác với nhau để thúc đẩy các lợi ích chung, hoặc một châu Á cứng đầu, manh mún bởi tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và chủ nghĩa bảo hộ.
Thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long. Ảnh: AFP |
Phát biểu tại Hội nghị Nikkei ở Tokyo, Thủ tướng Lý Hiển Long đã nêu lên vai trò của 3 nước Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản trong việc định hình tương lai của châu lục trong 2 thập niên tới đây.
Nhận định về vai trò của Mỹ đối với châu Á, ông Lý Hiển Long cho rằng, Mỹ sẽ vẫn là một siêu cường nổi trội của thế giới vào năm 2034.
Trong khi đó, Nhật Bản “vẫn sẽ là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới với sức mạnh vĩ đại về khoa học và công nghệ”.
Tuy nhiên, sự thay đổi to lớn đối với châu Á trong 20 năm tới sẽ là sự gia tăng về sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, ông Lý Hiển Long cho biết.
Nếu quan hệ Mỹ-Trung được đẩy mạnh và kinh tế của Nhật phục hồi một cách tự tin thì khu vực sẽ gặt hái lợi ích của hòa bình và sự ổn định.
Theo đó, ông Lý Hiển Long cho rằng, “viễn cảnh thứ nhất, là châu Á vẫn hòa bình, các nước cùng hợp tác để thúc đẩy lợi ích chung, trong khi cạnh tranh hòa bình với nước khác”.
Một môi trường chiến lược ổn định sẽ giúp cũng cố sự hợp tác kinh tế khu vực. Càng phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế thì sẽ nâng cao mức sống của tất cả và góp phần làm cho một khu vực hòa bình trong một chu trình có đạo đức.
Trong viễn cảnh này, các thành viên của ASEAN sẽ có thể “hợp tác và hòa hợp sâu” và vẫn là “một nền tảng khách quan hiệu quả cho các cường quốc lớn cam kết với nhau”.
Thủ tướng Lý Hiển Long cũng nêu ra một quan điểm thứ hai, cho rằng nếu sự tăng trưởng nhanh của Trung Quốc dẫn tới một sự mất cân bằng trong khu vực và trục Mỹ-Trung, châu Á sẽ “có một viễn cảnh trầm luân và kém tốt lành”. Ông cũng trích dẫn vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông và gây căng thẳng là một ví dụ.
Trong viễn cảnh này, các nước ASEAN bị buộc phải chọn phe, trong đó, Đông Nam Á trở thành một “đấu trường” cho sự cọ xát giữa các siêu cường.
Ông Lý Hiển Long nhận định, “một bầu không khí chiến lược đó sẽ không tránh khỏi làm tụt lùi sự hòa hợp. Sẽ có thêm tranh chấp thương mại và chiến tranh tiền tệ, bảo hộ kiểu ăn miếng trả miếng. Kết quả là, sự thành công của người nào cũng chẳng đem lại lợi ích chung, thêm cọ xát và tranh chấp, và khi mọi chuyện đi sai hướng sẽ dẫn tới thiếu kiềm chế ở một số nước”. Trong tình huống này, mọi bên đều thua.
Cũng trong bài phát biểu trên, ông Lý Hiển Long cũng nhận dạng ra 2 nhân tố then chốt sẽ đóng vai trò lớn trong quyết định số phận của châu Á trong 2 thập niên tới.
Nhân tố thứ nhất là quan hệ Mỹ - Trung, một mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới, nhưng lại là một yếu tố có thể dễ dàng mất kiểm soát một khi bùng phát leo thang bạo lực.
Nhân tố thứ hai, sự bất ổn trên bán đảo Triều Tiên. Theo ông Lý Hiển Long, “nguyên trạng hiện nay sẽ cứ tiếp diễn, trong đó, cứ lặp đi lặp lại tình trạng trên bờ vực chiến tranh và thi thoảng lại xảy ra căng thẳng. Tuy vậy, vẫn hy vọng là không dẫn tới chiến tranh. Ngay cả khi không có chiến tranh, việc thất bại trong quá trình giải giáp hạt nhân trên bán đảo cũng sẽ đặt ra một mối nguy hiểm triền miên”.
"20 năm tới sẽ là một “cơ hội lịch sử” cho châu Á. Cho dù lực lượng nào đi chăng nữa lãnh đạo xu hướng chính trị và chính sách của các quốc gia, rốt cục, chúng ta sẽ chia sẻ lợi ích chung trong hòa bình và thịnh vượng của châu Á. Mọi bên tham gia, dù lớn hay bé, đều có trách nhiệm biến viễn cảnh này thành hiện thực", ông Lý Hiển Long nói.
Quang Hiển (theo CNA)