GS Artha Nantachukra, chuyên gia về Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phupan (Thái Lan) cho rằng, chính bằng các hành động “độc tôn”, Trung Quốc đang tự cô lập mình khỏi cộng đồng quốc tế, khu vực và sẽ phải hứng chịu những hậu quả cả về chính trị, ngoại giao lẫn kinh tế từ các hành động này.
Tàu hải cảnh Trung Quốc chủ động đâm thẳng vào mạn trái tàu Cảnh sát biển Việt Nam, nhưng tàu CSB Việt Nam đã dừng và lùi máy kịp thời. (Nguồn: Cảnh sát biển Việt Nam) |
Trong bài viết trên trang mạng của Viện Nghiên cứu Phupan, GS Artha Nantachukra nhận định: đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc có các hành động khiêu khích đối với các quốc gia láng giềng có tranh chấp, nhưng đây là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng lực lượng đông đảo các tàu bảo vệ, máy bay và thực hiện các hành động mạnh tay để bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) khi đặt giàn khoan này trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Các nước ASEAN liên quan cần liên kết chặt chẽ
Theo GS Nantachukra, toàn bộ những bước đi, những động thái khiêu khích của Trung Quốc từ trước đây đến sự việc vừa qua trên Biển Đông cho thấy rõ mục tiêu lâu dài của Bắc Kinh là thực hiện ý đồ “độc chiếm Biển Đông”. Sâu xa hơn, Trung Quốc muốn kiểm soát toàn bộ tuyến giao thương hàng hải, kiềm tỏa, tăng ảnh hưởng với toàn bộ các nước khu vực và các nước lợi ích vào tuyến giao thương này, trong đó có cả Nhật Bản và Mỹ.
Cũng theo đánh giá của GS Nantachukra, những động thái của Trung Quốc, qua hằng năm, đều là những động thái khiêu khích nhỏ, nhưng có mức độ gia tăng theo từng năm, theo chiến lược “mưa dầm thấm đất”, với mục tiêu làm thay đổi hiện trạng. Vị GS này cho rằng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng với lợi ích chiến lược to lớn của các nước bên ngoài trong khu vực, dù muốn hay không, dù lớn hay nhỏ, các nước này không thể khoanh tay đứng nhìn trước các hành động “lạm quyền” của Trung Quốc.
Có thể chính sự kiện này sẽ tạo ra một “nhu cầu”, một “chất xúc tác” mới đòi hỏi các nước ASEAN liên quan tranh chấp với Trung Quốc, đặc biệt là Philippines, phải liên kết chặt chẽ hơn nữa để đối phó với Trung Quốc. Rõ ràng nếu Trung Quốc đã và đang “mạnh tay” với Việt Nam thì chưa có gì có thể bảo đảm Trung Quốc không có các hành động tương tự với Philippines, dù với mỗi quốc gia, mỗi vùng tranh chấp, lợi ích và xung đột ở những mức độ khác nhau.
Như vậy, nhu cầu liên kết giữa các quốc gia đang bị Trung Quốc “lấn áp” sẽ gia tăng, từng bước làm thất bại mục tiêu chia rẽ ASEAN của Trung Quốc mà ngược lại các nước đang cô lập Trung Quốc, biến Trung Quốc thành một kẻ bị tẩy chay tại khu vực.
Úc quan ngại sâu sắc
Ngày 14-5, Bộ Ngoại giao Úc ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên Biển Đông. Úc hoan nghênh Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 về tình hình hiện nay ở Biển Đông, được đưa ra vào ngày 11-5. Úc khẳng định nước này có lợi ích chính đáng trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật quốc tế, thương mại không bị cản trở và tự do hàng hải.
Úc cũng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế những hành động khiêu khích có thể khiến tình hình căng thẳng leo thang, đồng thời thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng. Canberra kêu gọi các chính phủ giải thích rõ và thực hiện các tuyên bố lãnh thổ, cùng với các quyền hàng hải theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). Canberra khuyến khích Bắc Kinh và các nước thành viên ASEAN sớm đạt được tiến bộ về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Những ngày qua, một loạt trang báo lớn của Đức tiếp tục cập nhật tin tức về hành động hiếu chiến của Trung Quốc. Bài viết đăng trên tờ Tấm gương ngày 13-5 có tít đề “Mỹ chỉ trích Trung Quốc trong xung đột trên biển với Việt Nam” dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chỉ trích Trung Quốc hành xử một cách khiêu khích trong cuộc xung đột ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi giải pháp hòa bình cho tình trạng căng thẳng hiện nay.
Trong khi đó, báo Làn sóng Đức cũng đăng bài viết của tác giả Frank Sieren, người đã sống 20 năm ở Bắc Kinh và hiểu khá rõ về Trung Quốc, cho rằng căng thẳng trên biển giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ngày càng nghiêm trọng hơn, song khó có thể xảy ra một cuộc xung đột lớn. Theo tác giả, không chỉ có tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản trên vùng biển Hoa Đông, xuôi vài trăm hải lý xuống phía Nam, Trung Quốc cũng đang đòi tuyên bố chủ quyền với Việt Nam.
Căng thẳng trên vùng biển này leo thang khi tàu kéo Trung Quốc đâm vào các tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam và phun vòi rồng vào các tàu Việt Nam khi các tàu Việt Nam ngăn chặn việc Bắc Kinh hạ đặt một giàn khoan ở đây.
Philippines tố Trung Quốc xây đường băng trên bãi Gạc Ma Ngày 14-5, Bộ Ngoại giao Phillipines cáo buộc Trung Quốc tiến hành cải tạo đất trên một bãi đá ngầm tranh chấp ở Biển Đông và nhiều khả năng sắp xây dựng một đường băng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phillipines Charles Jose cho biết, trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã vận chuyển đất và vật liệu tới bãi Johnson (Việt Nam gọi là Gạc Ma, Trung Quốc gọi là Xích Qua Tiêu) thuộc quần đảo Trường Sa và đang tiến hành cải tạo đất đai - hành động vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Cũng theo phát ngôn viên Jose, Bộ Ngoại giao Phillipines đã trao công hàm phản đối với phía Trung Quốc và nêu vấn đề này trong cuộc họp kín tại Hội nghị Cấp cao ASEAN diễn ra tại Myanmar tuần qua. |
B.T tổng hợp