.

Tương lai của Thái Lan bấp bênh

.

Cuộc tiếm quyền của quân đội diễn ra êm thấm nhưng không đồng nghĩa với việc tương lai của Thái Lan sẽ êm ả, trật tự và sự ổn định sẽ được thiết lập như tuyên bố của Tướng Prayuth Chan-ocha, người hiện được xem là có quyền lực nhất ở quốc gia Đông Nam Á này.

Quân đội trấn áp những người biểu tình chống đảo chính ở Bangkok.                                  Ảnh: AP
Quân đội trấn áp những người biểu tình chống đảo chính ở Bangkok. Ảnh: AP

Quyền lực đang nằm trong tay của Tướng Prayuth và chính phủ của ông - tức Hội đồng Hòa bình và trật tự quốc gia. Ưu tiên của chính phủ tạm quyền lúc này là dập tắt sự bất đồng quan điểm và tập trung khôi phục kinh tế.

Thái Lan đang đối mặt với nhiều nguy cơ bất ổn, thậm chí là khủng hoảng mới, nhất là sự đáp trả của lực lượng áo đỏ ủng hộ gia tộc Shinawatra. Tướng Prayuth ngày 25-5 cảnh báo người dân không tham gia các cuộc biểu tình trên đường phố chống đảo chính. Ông cũng bảo vệ việc bắt giữ hàng chục chính trị gia và các nhà hoạt động, hầu hết những người này liên quan đến chính phủ bị lật đổ. Thông cáo của quân đội khuyến cáo “ngừng sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để khiêu khích”, báo chí “nên thận trọng trong việc phát ngôn, chỉ trích hoặc làm điều gì gây tổn hại cho bất kỳ bên nào, nhất là dân thường, cảnh sát và quân đội”. Chủ bút của 18 tờ báo cũng được triệu họp trong ngày 25-5.

Tuy vậy, các nhóm biểu tình tự phát vẫn tụ tập ở Bangkok, Chiang Mai... Riêng trong ngày 25-5, hàng trăm người tụ tập ở thủ đô, bên ngoài một trung tâm mua sắm; nhiều người đưa cao những biểu ngữ “Chống đảo chính”, “Ngừng đảo chính”…

Việc quân đội nắm toàn quyền lập pháp, bắt giữ cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra và gia đình của bà trong thời hạn một tuần khiến giới quan sát quan ngại chế độ chuyên quyền của quân đội. Các nhà phân tích cho rằng, động thái của quân đội Thái Lan - lực lượng vốn luôn ủng hộ phe chống chính phủ - là dấu hiệu đáng lo ngại, cho thấy Tướng Prayuth nay có thể nắm quyền lâu dài. GS Pavin Chachavalpongpun nghiên cứu về Đông Nam Á ở Đại học Kyoto (Nhật Bản) hoài nghi cam kết của quân đội trong việc chỉ làm trung gian hòa giải. Theo GS, đảo chính không mở đường cho cải cách và dân chủ.

Reuters dẫn lời các nhà phân tích cũng nhận định, đảo chính sẽ không chấm dứt được xung đột giữa hai phe phái chính, trong khi dòng tộc Shinawatra vẫn có ảnh hưởng lớn ở nhiều tỉnh.

Thái Lan từng trải qua 19 lần đảo chính quân sự kể từ năm 1932 đến nay, gồm cả những cuộc đảo chính thành công lẫn thất bại, thì việc quân đội lật đổ chính phủ tạm quyền của ông Niwatthamrong Boonsongphaisan đã được dự đoán. Thực chất, việc quân đội ban bố thiết quân luật là một cuộc bán đảo chính, chuẩn bị cho bước đi tiếp theo lớn hơn.  

Song, điều quan ngại nhất vẫn là khó hàn gắn mâu thuẫn ở Thái Lan. Mâu thuẫn này tồn tại dai dẳng giữa tầng lớp nông thôn nghèo khó, ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra với tầng lớp trung lưu - những người tin rằng vị cựu Thủ tướng đang lưu vong vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng tới nền chính trị của đất nước.

Chưa rõ Tướng Prayuth có ngăn chặn được bạo lực hay không khi phe áo đỏ có thể xuống đường biểu tình, tiến trình cải cách ra sao và khi nào diễn ra tổng tuyển cử... Lúc này, chưa thể khẳng định được điều gì về tương lai của Thái Lan. Tuy nhiên, giới quan sát lo sợ thảm kịch 28 người chết, hơn 800 người khác bị thương trong 6 tháng khủng hoảng chính trị qua sẽ lặp lại.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.