.

Ukraine bắt tùy viên quân sự Nga

.

Báo chí ở Ukraine ngày 30-4 dẫn một tuyên bố của chính phủ nước này cho hay, Ukraine đã bắt giữ tùy viên quân sự Nga tại Kiev, cáo buộc ông làm gián điệp và yêu cầu ông phải rời Ukraine.

“Tùy viên quân sự của Sứ quán Nga tại Ukarine được tuyên bố không được thừa nhận”, một tuyên bố của chính phủ được báo chí Ukraine dẫn lại cho hay. Báo chí dẫn lời một quan chức giấu tên cho hay, tùy viên này “bị bắt” tận tay vào ngày 30/4, khi đang thực hiện hoạt động do thám.

Vụ bắt giữ được thực hiện trong bối cảnh Kiev cho hay các lực lượng vũ trang Ukraine đã được đặt trong tình trạng “cảnh báo chiến tranh tổng lực”, phòng trường hợp Nga có thể tấn công nước này. Tình hình ở Ukraine đã leo thang thành chia rẽ sâu sắc nhất giữa phương Tây và Nga kể từ Chiến tranh Lạnh.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vào tuần này đã áp đặt vòng trừng phạt mới đối với Nga, song phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine vẫn tiếp tục thắt chặt kiểm soát khu vực này. Hôm qua các lực lượng ly khai thân Nga đã chiếm được các trụ sở của chính quyền và cảnh sát thành phố Horlivka, ở phía đông bắc vùng Donetsk, mà không vấp phải sự kháng cự nào.

Nga dọa đáp trả đòn trừng phạt của phương Tây

Phát biểu trên đài truyền hình Nga, ông Putin đe dọa, nếu phương Tây cứ tiếp tục các biện pháp trừng phạt, thì đương nhiên Matxcơva sẽ “phải nghĩ lại về cách thức làm việc của các doanh nghiệp nước ngoài ở Liên bang Nga, nhất là trong những lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế Nga, như năng lượng”.

Đồng thời, các quan chức Nga liên tiếp lên tiếng phản đối các trừng phạt mới của phương Tây. Đang công du Cuba, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov tuyên bố : “Chúng tôi bác bỏ các trừng phạt bất kể đó những biện pháp gì, nhất là những trừng phạt mà Hoa Kỳ và Châu Âu đưa ra”.

Sau đó, từ Santiago, sau cuộc gặp với người đồng cấp Chile, Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố Nga “sẽ không vội làm điều gì ngu ngốc”, nhưng sẽ xem xét hành động nếu các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn tiếp tục. “Chúng tôi muốn cho các chính phủ cơ hội lấy lại bình tĩnh…Nhưng nếu hành động của các bạn vẫn tiếp tục…trong trường hợp này chúng tôi sẽ phải nghiên cứu tình hình”.

Còn Thứ trưởng Ngoại giao Nga Serguei Riabkov, tố cáo các trừng phạt của phương Tây giống như sự phục hồi hệ thống quan hệ quốc tế năm 1949, vào thời điểm đó, “phương Tây buông bức màn sắt, ngăn cản việc chuyển giao các thiết bị công nghệ cao cho Liên Xô và một số nước khác”.

Phó Thủ tướng Nga Dmitri Rogozine đe dọa nếu phương Tây muốn trừng phạt lĩnh vực tên lửa Nga, thì tất yếu, các nhà du hành vũ trụ của các nước phương Tây sẽ bị ảnh hưởng. Kể từ khi Hoa Kỳ ngừng khai thác các phi thuyền, chỉ có phi thuyền Nga Soyouz đảm trách nhiệm tiếp tế cho các nhà du hành vũ trụ trên trạm không gian quốc tế ISS.

Dân trí

;
.
.
.
.
.