Phóng viên CNN Euan McKirdy có mặt trên một con tàu của cảnh sát biển Việt Nam ra khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép gần Hoàng Sa. McKirdy thuật lại sự nguy hiểm của cuộc đối đầu ở nơi ông mô tả là điểm nóng nhất thế giới về tranh chấp chủ quyền biển.
Tàu hải cảnh Trung Quốc đang vòi rồng vào một con tàu nghiên cứu thủy sản của Việt Nam hôm 28-5. Ảnh: Euan McKirdy/CNN |
Phải chờ đợi rất lâu cả trên bờ và trên biển, trước khi đoàn gần 40 phóng viên chúng tôi tới được một trong những khu vực tranh chấp nóng bỏng nhất thế giới, trên Biển Đông. Giới báo chí, cả báo in, báo mạng và phát thanh truyền hình thuộc các tòa soạn ở châu Á và Mỹ, hồi hộp chờ đợi chính phủ Việt Nam, không rõ ngày giờ nào thì chúng tôi sẽ lên đường.
Chuyến đi có vẻ được giữ bí mật, nhưng hình như phía Trung Quốc có thể cũng biết.
Cuối cùng thì chúng tôi xuất phát, lên một con tàu tuần duyên nhỏ vào một sáng thứ hai từ Đà Nẵng, tiến đến vùng nước gần quần đảo Hoàng Sa theo tiếng Việt và Tây Sa theo cách gọi của người Trung Quốc.
Việc Trung Quốc cắm một giàn khoan tại vùng nước này hồi đầu tháng 5 gây nên một loạt phản đối, trong đó có cả những cuộc xô xát ở Việt Nam, và hàng loạt lời tuyên bố từ các nhà lãnh đạo thế giới, yêu cầu hai bên giải quyết vấn đề nhanh chóng và không để đổ máu.
Ít nhất là một bên nhất trí như vậy. "Lực lược cảnh sát biển Việt Nam cam kết giải quyết vấn đề bằng phương cách hòa bình", ông Hoàng Tuấn Anh, thuyền trưởng một tàu hậu cần mà chúng tôi đi cho biết.
Con tàu chắc chắn của chúng tôi có một pháo 125 mm phía trên mũi và hai khẩu 14.5 mm. Nó thuộc loại tàu hậu cần mà lực lượng tuần duyên nào cũng cần có, và chứa được khá nhiều thứ: vô số thùng nước uống bằng nhựa, khoang bếp chất đầy rau xanh, một đàn gà sống bên dưới cầu thang phía ngoài - những thứ sẽ được đem đến cho các đồng đội của họ ở tiền tuyến.
Cho đến khi mặt trời lên vào sáng hôm sau, chúng tôi vẫn đang trên đường tiến tới đích - vùng nước mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố có chủ quyền.
Sau đó, chúng tôi chuyển sang tàu cảnh sát biển 8003, con tàu đã đợi chúng tôi giữa biển từ trước đó. Vậy là đã đến khu vực mà đầu tháng này Trung Quốc đơn phương cắm một ngọn cờ. Ngọn cờ trong trường hợp này là một giàn khoan, mang thông điệp của phía Trung Quốc: quần đảo Tây Sa là của ta và ta muốn làm gì tùy thích.
Xung quanh chỉ là mênh mông một màu xanh thẫm của biển, không phao hiệu, không bãi nổi, chỉ có nước và nước, dù phía Trung Quốc vẫn mạnh miệng khẳng định bên dưới là một nguồn dầu mỏ giàu có.
Hành động hung hăng
Khi chúng tôi đến nơi, có tin cho biết giàn khoan do Công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOCC) quản lý này đã di dời - quả là một nhiệm vụ to lớn và chẳng dễ dàng, đặc biệt là về mặt chính trị.
Quá trình di chuyển giàn khoan bắt đầu từ sáng 26/5 và hoàn thành lúc 23h30 cùng ngày, trước khi đoàn chúng tôi đến đây, mặc dù nó khởi hành vài giờ sau khi chúng tôi bắt đầu.
Chúng tôi cuối cùng cũng đến được nơi cần đến. Những chấm đen ở đường chân trời đã biến thành những con tàu, hay đúng hơn là những đoàn tàu của cả Việt Nam và Trung Quốc.
Những con tàu cá và cả tàu quân sự này là tất cả những gì còn lại sau điểm nóng của hai tuần trước, trong các hoạt động triển khai liên tục, như một màn khiêu vũ kịch tích quanh vùng biển xanh ngắt.
Tàu cảnh sát biển Việt Nam (bên phải, màu xanh đen), đang cố gắng thoát khỏi vòng vây của các tàu Trung Quốc, gần khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép. Ảnh: AFP |
Trong một buổi chiều đầy nắng và yên bình giữa biển, những gì đang xảy ra như một trận đánh nhỏ sống động, đan xen giữa sự hung hăng của Trung Quốc và sự bình tĩnh từ phía Việt Nam khi đưa ra thông báo rằng Trung Quốc đang vi phạm luật pháp quốc tế. Tiếng còi báo hiệu và còi rú báo động reo lên inh ỏi và chói tai.
"Tôi đã đến vùng biển này nhiều lần nhưng gần đây Trung Quốc ngày càng hung hăng với Việt Nam, thuyền trưởng tên Hoàng của tàu hỗ trợ nói. Anh Hoàng khẳng định với chúng tôi: "Tôi tự hào được bảo vệ đất nước".
Vũ điệu nguy hiểm giữa biển đều được các tàu bảo vệ biển của mỗi nước quan sát. Những người trên tàu đều hy vọng có thể đối đầu trực tiếp với kẻ thù. Tuy nhiên chỉ trước đó vài giờ, một tàu của Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của Việt Nam. Không ai thiệt mạng trong vụ tai nạn này, nhưng đây là lần đầu tiên một chiếc tàu đã bị đánh chìm trong giai đoạn căng thẳng hiện nay giữa quan hệ hai nước láng giềng.
Chiều dần buông, một tàu cảnh sát biển to lớn của Trung Quốc nhằm hướng di chuyển về phía chúng tôi, gầm gừ như cố tạo ra một vụ đe dọa hàng hải nho nhỏ.
Không ai trên tàu 8003 tỏ ra quá lo lắng, mặc dù áo phao cứu hộ trong trường hợp này dường như quá mỏng manh. Giống như một con chó đang căng mình ở những đốt xích cuối, con tàu sủa về phía chúng tôi vài lần, trước khi quay đi.
Nhìn từ phía mạn phải con tàu, hai tàu khác của Trung Quốc đang quấy phá một tàu cá nhỏ hơn của Việt Nam.
VnExpress