Vụ áp sát máy bay Nhật Bản cho thấy những hành vi hiếu chiến có chủ ý của Trung Quốc dựa trên những giả định rất nguy hiểm.
Theo tạp chí The Diplomat của Nhật Bản, đây là lần thứ hai trong nhiều tuần qua, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc tiến hành những vụ bay áp sát với máy bay của Nhật Bản trên biển Hoa Đông với cự ly vào khoảng 30-50m.
Tàu Trung Quốc (phía trước) ngăn chặn tàu Nhật Bản trên biển Hoa Đông (Ảnh AP) |
Trung Quốc liên tục khiêu khích
Vụ áp sát máy bay này của Trung Quốc nằm trong một chuỗi những vụ việc gây nguy hiểm trên biển và trên không của Trung Quốc trong khu vực.
Tháng 12-2013, một chiếc tàu chiến của Trung Quốc gần như đã đụng độ với tàu hàng không mẫu hạm USS Cowpens trên hải phận quốc tế ở Biển Đông.
Trước đó, đầu năm 2013, các tàu Trung Quốc đã sử dụng hệ thống radar dẫn đường để khóa mục tiêu một tàu khu trục và một máy bay trực thăng Nhật Bản. Đây được coi là một hành động rất hiếu chiến của Trung Quốc.
Trong tất cả những vụ việc nói trên, những tai nạn chết người đã được loại bỏ nhờ sự kiềm chế của những nước phải đối mặt với những hành động khiêu khích của Trung Quốc.
Nếu không nhờ có sự bình tĩnh của các phi công Nhật Bản, kinh nghiệm dạn dày của những thuyền trưởng tàu Hải quân Mỹ và sự điềm tĩnh của các tư lệnh lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản có thể mọi chuyện đã rất khác.
Tại sao Trung Quốc lại dám hành động liều lĩnh như vậy? Việc các binh sỹ Trung Quốc liên tục lặp đi lặp lại những hành vi nguy hiểm như trên cho thấy đây không phải là “hành động nông nổi nhất thời”.
Hành động với toan tính nguy hiểm
Thay vì thế, đây là một chiến lược đầy toan tính của Trung Quốc để xâm chiếm những vùng biển lân cận để mở rộng cả không phận và hải phận của Trung Quốc.
Điều này có thể là do quân đội Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể ngăn chặn lực lượng của Mỹ và Nhật Bản hoạt động tại khu vực này thông qua những hành động nói trên.
Chính sách thách thức các nước khác của Trung Quốc dựa trên những giả định sai lầm của nước này.
Đầu tiên, Trung Quốc cho rằng, các nước khác sẽ phải tránh những hành vi nguy hiểm của Trung Quốc để không xảy ra tai nạn chết người.
Ngoài ra, Trung Quốc tin rằng, quân đội Mỹ và Nhật Bản- vốn được đào tạo bài bản và có rất nhiều kinh nghiệm, có khả năng kiềm chế tốt khi phải đối mặt với những hành vi ngang ngược của Trung Quốc.
Tất cả những giả định này đều rất nguy hiểm. Đối với Nhật Bản, những hành động sai trái này của Trung Quốc sẽ khiến việc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nhật Bản có thể bị xâm phạm dù cho đến thời điểm này điều đó chưa xảy ra. Đối với Mỹ, những hành vi này của Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và thịnh vượng của Mỹ cũng như của toàn thế giới.
Các nước sẽ kiềm chế đến đâu?
Có thể là các nhà lãnh đạo của Mỹ và Nhật Bản rất quý trọng sinh mạng con người và đều không muốn một tính toán sai lầm có thể gây ra những hành động thù địch tại châu Á, cả Mỹ và Nhật Bản đều không bao giờ chấp nhận việc để Trung Quốc ngang nhiên lộng hành như vậy.
Trên thực tế, việc Trung Quốc cố tình áp đặt quyền kiểm soát của mình trên các khu vực còn đang tranh chấp và buộc tàu của các nước khác phải lánh xa khỏi khu vực đó khiến cho các nước láng giềng và Mỹ cảm thấy bất an hơn và có thể dẫn đến xung đột.
Hơn thế nữa, dù được đào tạo bài bản và có tính kỷ luật rất cao, binh sỹ Mỹ và Nhật Bản vẫn chỉ là “người trần mắt thịt” và nếu cứ phải hoạt động trong các tình huống “căng như dây đàn” thì cũng rất khó để ngăn cản phản ứng nhất thời của họ.
Sẽ rất khó hình dung thuyền trưởng của tàu khu trục hạm Nhật Bản, khi bị tàu Trung Quốc khóa mục tiêu như vậy sẽ quyết định như thế nào để bảo vệ thủy thủ của mình một cách tốt nhất và ông sẽ lựa chọn tiếp tục kiềm chế hay sẽ tấn công trước?
Có thể Trung Quốc đang cố ý sử dụng quân đội nước mình để khiêu khích các nước khác để gây ra xung đột và tin rằng các nước khác phải cố gắng hết sức để tránh điều này.
Nói cách khác, Trung Quốc đang chơi một “canh bạc đầy may rủi” và nước này sẽ không dễ nhận ra rằng hành động này là rất điên rồ cho đến khi vận may của họ cạn kiệt.
VOV