.

Đối thoại Shangri-La 13 "nóng" nhất trong lịch sử 13 năm

.

The Straits Times - nhật báo hàng đầu của Singapore, nhận định rằng các phiên thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á IISS (hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La) lần thứ 13 được tổ chức tại Đảo quốc Sư tử, từ ngày 30-5 đến ngày 1-6 là "nóng" nhất trong lịch sử 13 năm của hội nghị này.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu. (Ảnh: Lê Hải/TTXVN)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu. (Ảnh: Lê Hải/TTXVN)

Đối thoại năm nay được tổ chức trong bối cảnh căng thẳng tăng cao trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa một số nước châu Á và cuộc tranh giành địa chính trị cũng gia tăng tại châu Á-Thái Bình Dương.

Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 có sự tham dự của 450 đại biểu là bộ trưởng quốc phòng, quan chức quân sự cao cấp và chuyên gia an ninh từ nhiều nước trong và ngoài khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

The Straits Times đã chọn ra tám điểm nổi bật nhất của Đối thoại Shangri-La lần thứ 13.

Thứ nhất, Nhật Bản muốn có một vai trò lớn hơn tại khu vực: Trong bài phát biểu đề dẫn của Đối thoại, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ ý định của Nhật Bản đóng một vai trò lớn hơn và tích cực hơn trong việc đảm bảo hòa bình và an ninh của khu vực, đồng thời cam kết ủng hộ các nước Đông Nam Á trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền.

Ông cũng đề cập nhiều tới sự cần thiết phải tuân thủ luật biển quốc tế. Mặc dù ông Abe không trực tiếp nêu tên nước nào nhưng có những ý kiến cho rằng bài phát biểu của ông Abe nhằm vào Trung Quốc khi ông nhắc đi nhắc lại rằng Tokyo đã chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở khu vực.

Thứ hai, Mỹ chỉ trích Trung Quốc và nhấn mạnh chính sách xoay trục châu Á: Vào ngày thứ hai của Đối thoại, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc vì nước này đã “gây bất ổn và đơn phương hành động” trong việc tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.

Trong phát biểu hiếm có, ông Hagel đã đưa ra lời cảnh cáo rằng Washington không thể làm ngơ nếu nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế bị thách thức. Ông Hagel cũng tái khẳng định cam kết của Washington đối với khu vực, ông nói: “tái cân bằng ở châu Á-Thái Bình Dương là một thực tế.

Thứ ba, Trung Quốc "phản đòn" Nhật Bản và Mỹ: Vào ngày thứ ba cũng là ngày họp cuối cùng của Đối thoại, Trung tướng Vương Quán Trung, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, phản đòn Nhật Bản và Mỹ, chỉ rõ hai nước đồng minh này đã cùng nhau “khiêu khích” Trung Quốc.

Trong phần nói vo, ông Vương buộc tội ông Abe và ông Hagel đã hợp nhau để chống Trung Quốc và sử dụng bài phát biểu của mình để tấn công Bắc Kinh. Ông Vương cho rằng những nhận định của ông Abe và ông Hagel là “không thể chấp nhận được,” “khiêu khích” và đi ngược lại tinh thần của Đối thoại.

Thứ tư, tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và Việt Nam là một chủ đề được quan tâm tại Đối thoại năm nay.

Bắt đầu từ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trái phép tại "vùng tranh chấp" ["vùng tranh chấp" là từ của báo Straits Times, tuy nhiên đây chính là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam - Vietnam+] vào tháng trước và căng thẳng leo thang trong những ngày gần đây khi một tàu của Trung Quốc đã tấn công và đánh chìm một tàu đánh cá của Việt Nam ở trong khu vực này.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu tại Đối thoại rằng Hà Nội sẽ chỉ kiện Bắc Kinh lên tòa quốc tế khi không còn giải pháp nào khác và Hà Nội muốn giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại.

Trong khi đó, bà Phó Oánh, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc, nói rằng Hà Nội và Bắc Kinh phải tìm một giải pháp cho mình và rằng Washington không nên can thiệp vào vụ việc này.

Thứ năm, tập trung vào tình hình Thái Lan sau đảo chính: Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel yêu cầu các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính phải thả những người bị giữ, cho phép họ tự do ngôn luận đồng thời kêu gọi sớm tổ chức bầu cử.

Đáp lại, ông Sihasak Phuangketkeow, Quyền Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan, trưởng đoàn Thái Lan tham dự Đối thoại, nói rằng Thái Lan không từ bỏ dân chủ và Thái Lan đang tiến hành cải tổ chính trị trước khi tổ chức bầu cử. Ông cũng yêu cầu các nước đối tác chiến lược và đối tác kinh tế cho Thái Lan thời gian để làm việc này.

Thứ sáu, buộc tội nhau: Đối thoại năm nay diễn ra trong không khí căng thẳng không bình thường khi nhiệt độ của hội trường tăng cao với những tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông. 

Thông thường, khi có bất đồng các bên nêu vấn đề một cách lịch sự, chứ không như một số đại biểu trong năm nay đã “gào to” khi bày tỏ ý kiến của mình.

Trung tướng Vương, trưởng đoàn Trung Quốc, đã miêu tả bài phát biểu của ông Hagel gồm toàn những từ “bá chủ, đe dọa và hăm dọa.”

Thứ bảy, quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc: Ý định xây dựng mối quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với ASEAN mà Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ tại Đối thoại lần này không làm Trung Quốc quá lo ngại vì họ có mối quan hệ mạnh mẽ với hiệp hội này.

Trong khi Singapore và Indonesia công khai hoan nghênh động thái của ông Abe thì các nước thành viên ASEAN khác giữ im lặng.

Thứ tám, tìm chỗ thích hợp cho một Trung Quốc đang nổi lên: Trong bối cảnh có những lời nhạo báng và tranh luận nảy lửa về các cuộc tranh chấp lãnh thổ và mong muốn của Nhật Bản đóng vai trò an ninh lớn hơn tại khu vực, một câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào để diễn đàn này có chỗ thích hợp nhất cho một Trung Quốc đang nổi lên. 

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, ông Ng Eng Hen nói với các đại biểu tại phiên kết thúc rằng đó là vấn đề mà khu vực này vẫn đang phải “vật lộn.”

Có một gợi ý là có thể thay đổi thứ tự phát biểu để đại biểu của Trung Quốc nói trước tiên, hoặc tốt hơn, là mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, làm diễn giả chính có bài phát biểu đề dẫn tại cuộc đối thoại năm sau.

Vietnam+

;
.
.
.
.
.