.

Hơn 10 tàu hải cảnh TQ lượn quanh bãi đá tại Trường Sa

.

Không quân Philippines phát hiện 10 đến 12 tàu cảnh sát biển Trung Quốc đang di chuyển rất nhanh để hỗ trợ các tàu nạo vét, cải tạo đất phi pháp ở các bãi đá thuộc Trường Sa.

Tờ Inquirer ngày 19-6 dẫn lời trung tá Enrico Canaya, phát ngôn viên Không quân Philippines cho biết: “Chúng tôi nhận thấy sự hiện diện của các tàu hải cảnh và tàu cải tạo đất của Trung Quốc trong khu vực quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, chúng tôi không thể đếm số lượng tàu Trung Quốc tại đây trong một ngày nhất định vì hoạt động của chúng không cố định ở một chỗ”.

Bức ảnh do máy bay giám sát của Philippines ghi lại và công bố hôm 15-6 cho thấy một tàu Trung Quốc đang thực hiện việc cải tạo đất một cách trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AP.
Bức ảnh do máy bay giám sát của Philippines ghi lại và công bố hôm 15-6 cho thấy một tàu Trung Quốc đang thực hiện việc cải tạo đất một cách trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AP.

Phát ngôn viên Không quân Philippines cho hay, mỗi lần tuần tra, lực lượng không quân đều quan sát rõ sự hiện diện của tàu Trung Quốc. Theo ông Canaya, tàu tuần duyên nước này cũng theo dõi việc nạo vét của Trung Quốc trên các bãi đá và xác nhận các báo cáo về hoạt động của Bắc Kinh trên các đảo nhỏ và rạn san hô với giới truyền thông.

Đại tá Florente Falsis, Phó giám đốc tình báo Không quân Philippines, cho rằng số lượng tàu hải cảnh của Trung Quốc xuất hiện tại khu vực có sự thay đổi. Họ có thể thống kê từ 10 tới 12 chiếc tại đây, song nhiều lúc số lượng tàu chỉ là 3 hoặc 4 chiếc.

Trung Quốc đang vội vàng cải tạo đất ở Trường Sa nhằm củng cố yêu sách phi lý trên Biển Đông. Ngoại trưởng Philippines lý giải hành động vội vã của Trung Quốc là vì nước này muốn các công trình được hoàn thành trước khi các bên thống nhất được Bộ Quy tắc Ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (COC).

Cùng ngày, Philippines cho biết nước này sẽ yêu cầu Tòa án Liên Hiệp Quốc đẩy nhanh việc xử lý thỉnh cầu của Philippines là hãy tuyên bố rằng, tuyên bố về chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc trên Biển Đông là vô giá trị.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, Charles Jose cho biết, một yêu cầu chính thức sẽ được đệ trình để sớm có được một phán quyết của Liên Hiệp Quốc về vấn đề trên trong năm 2014 hoặc đầu năm 2015.

Theo đó, Phát ngôn viên Jose nói: “Chúng tôi đang hỏi ý kiến nhóm tư vấn pháp luật hãy gởi một yêu cầu lên Tòa án của Liên Hiệp Quốc để tòa này có thể thúc đẩy việc xử lý sớm hơn”.

Ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario cũng đã cho biết riêng rằng, một phán quyết sớm là cần thiết “bởi vì tình hình đang trở nên xấu hơn từng ngày trên Biển Đông”.

Quang Hiển - Zing

 

;
.
.
.
.
.