Đối thoại trực tiếp giữa Mỹ và Iran có thể diễn ra vào đầu tuần này. Vô hình trung cuộc khủng hoảng an ninh ở Iraq đang kéo Washington và Tehran xích lại gần nhau.
Các bộ tộc Shiite ở Kamaliya quyết tâm chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL). Ảnh: AP |
Ngày 16-6, Tổng thống Mỹ Barack Obama kết thúc kỳ nghỉ với gia đình và trở lại Washington để đối mặt với các lựa chọn trong việc ngăn chặn lực lượng nổi dậy gây bất ổn cho Iraq. AP dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, Washington đang xem xét việc đối thoại với Iran về vấn đề Iraq, trong lúc tại quốc gia Trung Đông này, chính phủ của Thủ tướng Nouri al-Maliki tìm cách đẩy lùi bước tiến của các chiến binh Sunni - lực lượng đang chiếm giữ một số thành phố. Trong diễn biến mới nhất, thị trấn Tal Afar - nơi có khoảng 200.000 dân, phía tây thành phố Mosul, cách Baghdad 420km về phía tây bắc, đã thất thủ sau một đợt pháo kích.
Tờ Wall Street Journal cũng đưa tin về việc Mỹ đang chuẩn bị đối thoại trực tiếp với Iran về an ninh ở Iraq và giải pháp để đẩy lùi các chiến binh. Ngoài ra, trong tuần này, các quan chức Mỹ cũng tham gia đàm phán vòng cuối cùng với các cường quốc và Iran tại Vienna (Áo) về chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Tehran.
Câu hỏi đặt ra là trong vấn đề Iraq lần này, vì sao Mỹ lại đối thoại với Iran? Trong những ngày gần đây, Iran đã điều khoảng 500 binh sĩ tham gia chiến đấu cùng lực lượng an ninh của chính phủ Iraq tại tỉnh Diyala. Và như vậy, bất ổn do phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) cùng lực lượng người Kurd nổi dậy đang vượt khỏi phạm vi biên giới của nước này.
Tuy nhiên, Tổng thống Iran Hassan Rowhani bác bỏ nguồn tin cho rằng, lực lượng nước ông đang có mặt ở Iraq để trợ giúp Thủ tướng Nouri al-Maliki. “Nếu chính phủ Iraq muốn chúng tôi giúp đỡ, chúng tôi sẽ xem xét điều này”, ông Rowhani nói, đồng thời khẳng định: “Đến nay, họ (chính phủ Iraq) chưa yêu cầu sự trợ giúp đặc biệt”. Theo các nguồn tin, hiện có hơn 130 thành viên lực lượng Vệ binh cách mạng Iran đang ở Iraq để hỗ trợ huấn luyện quân đội.
CNN cho hay, các quan chức của cả Mỹ lẫn Iran đều loại bỏ việc hai nước cựu thù sẽ “bắt tay” nhau để giải quyết khủng hoảng ở Iraq. Hãng tin này dẫn lời giới phân tích cho rằng, Mỹ đang cảnh giác với việc Iran muốn thúc đẩy ảnh hưởng tại Iraq. Chính phủ Hồi giáo Shiite của Iran vốn là đồng minh thân thiết nhất của Thủ tướng Iraq Maliki. Mỹ cũng tuyên bố tăng cường bảo đảm an ninh tại Đại sứ quán nước này ở thủ đô Baghdad, đồng thời sơ tán nhân viên đến các khu vực an toàn hơn. Đại sứ quán Mỹ nằm dọc sông Tigris ở Vùng Xanh tại Baghdad có khoảng 5.000 nhân viên và là cơ sở ngoại giao lớn nhất của Mỹ trên thế giới.
Trong lúc đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã điện thoại cho những người đồng cấp ở Jordan, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia và Qatar để bàn thảo về mối đe dọa từ lực lượng nổi dậy cũng như sự cần thiết để các nhà lãnh đạo Iraq hợp tác với nhau. Ngày 18 và 19-6, các ngoại trưởng Arab cũng sẽ nhóm họp tại Saudi Arabia về “tình hình nghiêm trọng” ở Iraq.
PHÚC NGUYÊN