.

Lực lượng nổi dậy chiếm các thành phố ở Iraq

.

Sau khi Mosul - thành phố lớn thứ hai ở Iraq - rơi vào tay nhóm chiến binh Hồi giáo, đến lượt Baghdad cũng bị đe dọa khi nhóm này tuyên bố sẽ đánh chiếm thủ đô.

Trong một tuyên bố được đăng tải trên trang web của tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq & Levant (ISIL) sáng 12-6, người phát ngôn Abu Mohammed al-Adnani nói rằng, tổ chức này sẽ tấn công thủ đô Baghdad và thành phố phía tây nam Karbala, một trong những địa điểm linh thiêng nhất của người Hồi giáo Shiite. ISIL là một nhánh của Al-Qaeda, không chỉ gây ra các vụ bạo lực đẫm máu tại Iraq mà còn tìm cách mở rộng hoạt động sang nước láng giềng Syria.

Theo Đài truyền hình Iraqiya TV của nhà nước Iraq, ngoài Mosul, thành phố của người Hồi giáo Sunni với 1,6 triệu dân, thất thủ vào ngày 10-6, thì đến lượt thành phố Tikrit - quê hương của cố Tổng thống Saddam Hussein - cũng đã bị ISIL kiểm soát hoàn toàn. Tại Tikrit, phiến quân Hồi giáo đã giải cứu 300 tù nhân bị giam giữ trong một nhà tù và đụng độ với quân chính phủ ở ngoại ô thành phố Samarra, cách thủ đô Baghdad khoảng 110km. Do vấp phải phản ứng dữ dội của quân đội Iraq nên ISIL chưa tiến được vào Samarra nhưng lực lượng này chiếm được một phần thị trấn Baiji, cách Baghdad khoảng 200km. “Mục tiêu của cùng của chúng tôi là Baghdad, một trận chiến quyết định sẽ diễn ra ở đó”, thủ lĩnh ISIL khẳng định.

Ngoài ra, AP cho biết, lực lượng người Kurd cũng đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố giàu dầu lửa Kirkuk sau khi quân đội chính phủ bỏ các vị trí đóng quân.

Cũng trong ngày 12-6, Hội đồng Bảo an LHQ nhóm họp khẩn cấp để bàn về cuộc khủng hoảng an ninh tại Iraq. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon chỉ trích hành động của phiến quân Hồi giáo và kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ chính phủ Iraq. “Không thể cho phép chủ nghĩa khủng bố thành công và cản trở con đường dân chủ của Iraq”, ông Ban Ki-moon nói.

Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki cam kết chống lại lực lượng nổi dậy và sẽ trừng phạt các binh sĩ - những ai bỏ trốn hoặc không kháng cự ISIL. Quốc hội Iraq cũng nhóm họp trong ngày 12-6 để xem xét đề xuất của ông Maliki về việc ban bố tình trạng khẩn cấp.

Tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Jen Psaki cho biết, Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Iraq nhưng ông không đề cập việc điều động quân đội sang một đất nước vốn có 4.500 binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong “cuộc chiến cay đắng”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh William Hague thúc giục các nhà lãnh đạo Iraq nhanh chóng tìm giải pháp để tháo gỡ khủng hoảng chính trị xung quanh việc thành lập một chính phủ liên minh mới.  

THIÊN BÌNH
 

;
.
.
.
.
.