.

Mỹ quan ngại giàn khoan mới của Trung Quốc

.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết, Washington sẽ rất quan ngại nếu Trung Quốc hạ đặt các giàn khoan mới trong vùng tranh chấp ở Biển Đông.

Tàu kiểm ngư Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc áp sát mạn, phun vòi rồng tại vùng biển gần nơi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981.                         Ảnh: VnExpress
Tàu kiểm ngư Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc áp sát mạn, phun vòi rồng tại vùng biển gần nơi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981. Ảnh: VnExpress

Phát biểu tại Washington mới đây, bà Psaki cho biết ở thời điểm hiện tại, Mỹ chưa có đủ thông tin về vị trí các giàn khoan mới của Trung Quốc nên chưa đưa ra đánh giá. Tuy nhiên, nếu các giàn khoan này được hạ đặt trong vùng biển tranh chấp thì “đó sẽ là điều đáng lo ngại”. Cũng theo bà Psaki, Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.

Trong khi đó, ngày 23-6, Bộ Ngoại giao Lào đã gửi Công hàm trả lời Công hàm của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào về tình hình trên Biển Đông kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Công hàm nêu rõ: CHDCND Lào cho rằng, Biển Đông là khu vực quan trọng và nhạy cảm. Do đó, việc duy trì và thúc đẩy hơn nữa hòa bình, ổn định, hợp tác là hết sức quan trọng. Lào đang theo dõi chặt chẽ, lo ngại về diễn biến tình hình ở Biển Đông và đề nghị các bên liên quan kiềm chế, tránh các hành động có thể dẫn đến gia tăng căng thẳng ở khu vực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không được đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.

Lào cho rằng, việc triển khai Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đang có đà mạnh mẽ, trong khi các cuộc tham vấn chính thức về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) đang diễn ra, cần được duy trì và tăng cường hơn nữa, qua đó đóng góp cho việc duy trì, thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông.

Nhiều học giả trong khu vực cũng lên tiếng về căng thẳng trên Biển Đông. Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên báo The Star của Malaysia, GS David Arase - ngành chính trị quốc tế tại Trung tâm Đại học Nam Kinh (Trung Quốc), một cơ sở của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) - cho rằng Malaysia có thể đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm căng thẳng ở khu vực. Theo GS, để giảm thiểu nguy cơ xung đột, các nước thành viên ASEAN nên thúc đẩy thảo luận về COC với Trung Quốc. Ông nhấn mạnh Malaysia- quốc gia sẽ giữ chức Chủ tịch ASEAN vào năm tới - có thể phát huy vai trò lãnh đạo, kinh nghiệm, chuyên môn và nguồn lực của mình để thúc đẩy hai bên đạt được văn kiện này.

GS Arase cho rằng, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 và đâm chìm tàu cá của Việt Nam là mối quan ngại lớn vì có nguy cơ đẩy mọi việc vượt tầm kiểm soát. Vì vậy, nếu COC được ký kết, các bên sẽ tuân theo các thủ tục thương lượng và hòa giải, đồng thời có nguyên tắc để giải quyết khi xung đột xảy ra. Cũng theo vị GS này, COC không phải là cơ chế chỉ ra “ai đúng ai sai”, mà để giúp các nước tránh xung đột. Tuy nhiên, để sớm đạt được thỏa thuận về COC, các nước ASEAN cần xích lại gần nhau và tiến hành thương lượng đa phương với Trung Quốc.

B.T tổng hợp

;
.
.
.
.
.