Ngày 3-6, Tổng thống Obama đến Warsaw (Ba Lan), chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Âu 4 ngày. Theo AP, nhà lãnh đạo Mỹ muốn xoa dịu sự lo lắng của các đồng minh châu Âu xung quanh vấn đề Ukraine, đồng thời kêu gọi Quốc hội ủng hộ kế hoạch chi 1 tỷ USD để thúc đẩy sự hiện diện quân sự của cường quốc hàng đầu thế giới trên khắp châu Âu.
Tổng thống Barack Obama (trái) gặp gỡ người đồng cấp Ba Lan Bronislaw Komorowski. Ảnh: AP |
Nhà Trắng cho biết, khoản kinh phí 1 tỷ USD mà Tổng thống Obama đề cập sẽ được dùng để gia tăng các đợt huấn luyện quân sự Mỹ tại châu Âu, cả lực lượng không quân lẫn lục quân. Ngay khi đến Warsaw, ông Obama khẳng định an ninh của châu Âu là “nền tảng an ninh của chúng ta và bất khả xâm phạm”, đồng thời gọi đây là “cam kết đặc biệt quan trọng trong lúc này”. Hồi tháng 4 vừa qua, 150 binh sĩ Mỹ đã đến Ba Lan để tham gia tập trận trong lúc căng thẳng gia tăng với Nga.
Tại Ba Lan lần này, Tổng thống Obama gặp gỡ người đồng cấp nước chủ nhà Bronislaw Komorowski, đồng thời có các cuộc bàn thảo về an ninh châu Âu với các nhà lãnh đạo Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Czech, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Romania và Slovenia. AP cho biết, thực chất ông Obama muốn thúc giục châu Âu tiếp tục gây áp lực với Nga trong vấn đề Ukraine, trong lúc phương Tây lo ngại sẽ bị tổn hại trong quan hệ kinh tế nếu Mátxcơva cắt nguồn cung cấp khí đốt.
Rời Ba Lan, ông Obama sẽ đến Brussels (Bỉ) để gặp gỡ các nhà lãnh đạo G7. Hội nghị thượng đỉnh G7 ban đầu dự kiến diễn ra ở Nga, nhưng sau khi bán đảo Crimea về với Nga, phương Tây đã loại Mátxcơva khỏi hội nghị của nhóm các nước giàu.
Theo các nhà quan sát, vấn đề cô lập Nga cũng sẽ được đặt ra trong chuyến công cán châu Âu của ông Obama. Tổng thống Vladimir Putin sẽ đến Pháp tham dự lễ kỷ niệm Ngày D-Day, ngày quân đồng minh đổ bộ vào bờ biển Normandie trong Thế chiến thứ hai, nhưng sẽ không có cuộc gặp thượng đỉnh giữa Nga và Mỹ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, sự hiện diện của ông Putin cùng với các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu cũng đồng nghĩa với việc phương Tây đang giảm dần sự cô lập Nga. Theo một số quan chức Mỹ, quan hệ giữa Washington và Mátxcơva dần trở lại bình thường, sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
PHÚC NGUYÊN