Iraq đang có nguy cơ rơi vào nội chiến, thủ đô Baghdad đang bị đe dọa trước bước tiến của phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) cũng như lực lượng người Kurd.
Người dân Iraq tại thành phố Najaf bày tỏ sẵn sàng chống lại lực lượng chiến binh Hồi giáo nổi dậy. Ảnh: AFP |
“Quyền lực không giới hạn” mà Quốc hội Iraq trao cho Thủ tướng Nouri al-Maliki chưa biết sẽ được phát huy như thế nào, chỉ biết rằng hàng ngàn người Shiite từ Baghdad cho tới khắp miền nam Iraq đều sẵn sàng tham gia lực lượng an ninh để chống lại các chiến binh Hồi giáo, theo lời kêu gọi của Giáo sĩ Shiite, ông Ayatollah Ali al-Sistani.
Iraq xảy ra tình trạng phân tranh như vậy là do đâu? Phải chăng do những rạn nứt trong xã hội Iraq hơn 10 năm qua không thể hàn gắn được, hay do các nhà lãnh đạo ở quốc gia này không nắm bắt được “cơ hội mà người Mỹ đã trao cho” - như lời trách móc của Tổng thống Barack Obama?
Nói về nguyên nhân của tình trạng bất ổn ở Iraq, ngày 15-6, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair bác bỏ những chỉ trích cho rằng bạo lực hiện tại có liên quan đến cuộc xâm lược Iraq vào năm 2003. Cựu Thủ tướng Tony Blair là người đưa nước Anh vào cuộc chiến tranh do Mỹ dẫn đầu nhằm lật đổ triều đại Saddam Hussein và hiện ông là đại sứ ngoại giao ở Trung Đông. Theo ông, sự chia bè phái trong chính phủ Iraq chính là một trong những nguyên nhân khiến Baghdad không có sự đồng thuận và thủ đô có khả năng thất thủ nếu bị ISIL hoặc lực lượng người Kurd tấn công.
Trong khi đó, chính phủ Iran chính thức phủ nhận việc đưa quân qua biên giới Iraq để hỗ trợ bảo vệ thủ đô Baghdad chống các nhóm cực đoan Sunni đang tìm cách thành lập nhà nước Hồi giáo mới trong khu vực và áp đặt đạo luật hà khắc Sharia. Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Iran, ông Hojjat al-Eslam Ali Khazaei, cho rằng những kẻ khủng bố được Mỹ và Israel ủng hộ phải chịu trách nhiệm về việc ISIL chiếm thành phố Mosul.
Cả Iran, Mỹ lẫn Iraq đều xem ISIL là mối đe dọa tới lợi ích và an ninh của những nước này, tương tự mối đe dọa từ Al-Qaeda. AFP dẫn lời các nhà phân tích nhận định: Sự trỗi dậy của các chiến binh liên quan đến Al-Qaeda có căn nguyên từ cuộc xâm lược của Mỹ vào năm 2003. Bởi lẽ, chính cuộc xâm lược này đã để lại khoảng trống quyền lực và các cuộc xung đột sắc tộc ở Iraq kéo dài. Theo GS sử học Juan Cole ở Đại học Michigan, các sự kiện ở Iraq là “bản cáo trạng đối với chính phủ của Tổng thống G.W. Bush” khi năm 2003, lúc nắm quyền, ông Bush đã viện cớ Baghdad có liên hệ với Al-Qaeda để phát động cuộc chiến tranh. Ngoài ra, GS Cole cũng quy trách nhiệm cho sự can thiệp của “các đế quốc châu Âu” và các lãnh đạo giáo phái ở Iraq trong suốt hơn 10 năm qua…
Riêng cựu đặc sứ LHQ và Liên đoàn Arab ở Syria Lakhdar Brahimi cho rằng, chính bạo lực ở Syria đã vượt ra khỏi biên giới. “Cộng đồng quốc tế bỏ quên vấn đề Syria và không hỗ trợ giải quyết vấn đề này. Đây là hệ quả”, ông Brahimi nói.
Lúc này, Iraq trông chờ vào sự giúp đỡ của Mỹ. Song, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng, sự can thiệp của Washington sẽ chỉ thành công nếu các nhà lãnh đạo Iraq gạt bỏ những bất đồng và hướng đến đoàn kết dân tộc để đối phó với đe dọa của lực lượng nổi dậy. Mỹ đã điều một tàu sân bay đến vùng Vịnh vào ngày 14-6 để sẵn sàng nếu Washington quyết định dùng phương án quân sự để bảo vệ sinh mạng của công dân và lợi ích của cường quốc này.
Tuy nhiên, dù lỗi tại ai, tại cuộc chiến tranh từ cách đây hơn 10 năm, tại chính phủ Iraq hiện tại, hay tại bạo lực từ Syria…, bất ổn hiện tại là bài toán làm đau đầu Thủ tướng Maliki.
VĨNH AN