.
THẾ GIỚI TUẦN QUA

Tối hậu thư cho Nga

.

Hôm nay (30-6) là thời hạn cuối mà Liên minh châu Âu (EU) đặt ra cho Nga, yêu cầu Mátxcơva phải thay đổi chính sách đối với Ukraine, nếu không sẽ nhận thêm các biện pháp trừng phạt.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy (phải) chào đón Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels (Bỉ) ngày 27-6.     Ảnh: AP
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy (phải) chào đón Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels (Bỉ) ngày 27-6. Ảnh: AP

Theo điều kiện châu Âu đặt ra đối với Nga, ngày 30-6, Mátxcơva phải thực hiện đầy đủ 4 bước: thỏa thuận về cơ chế thẩm định, giám sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE); thỏa thuận ngừng bắn và kiểm soát hiệu quả biên giới, trả lại 3 trạm kiểm soát biên giới cho Ukraine (Izvarino, Dolzhanskiy, Krasnopartizansk); phóng thích các con tin, trong đó có những quan sát viên OSCE; khởi động các cuộc đàm phán quan trọng nhằm thực hiện kế hoạch hòa bình của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.

Các nhà quan sát cho rằng, chính việc Ukraine “bắt tay” với EU bằng một thỏa thuận lịch sử về chính trị, thương mại vào ngày 27-6 đã đẩy căng thẳng giữa Kiev và Mátxcơva, giữa phương Tây và Mátxcơva tăng cao, mặc dù cuộc khủng hoảng này đã có dấu hiệu “hạ nhiệt” từ nhiều ngày trước đó. Tổng thống Poroshenko hoan hỉ đánh giá thỏa thuận với EU là thời khắc quan trọng thứ hai trong lịch sử của Ukraine (chỉ sau việc tuyên bố độc lập từ Liên Xô cũ). Được chào đón khi đến Brussels (Bỉ) tham dự Hội nghị Thượng đỉnh EU, Tổng thống Poroshenko cũng nói rõ, cái “bắt tay” lần này giữa Ukraine với EU đánh dấu tuyên bố đơn phương của nước ông rằng, Kiev rồi đây sẽ trở thành một thành viên đầy đủ của liên minh già cỗi này.

Thật ra, thỏa thuận hợp tác giữa Ukraine với EU được ký kết vào tháng 11 năm ngoái nếu Tổng thống lúc đó là ông Viktor Yanukovych chấp thuận. Đơn giản vì ông Yanukovych muốn xích lại gần Nga chứ không muốn thân châu Âu, bởi một phần Nga là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Ukraine, chiếm 25,6% lượng hàng hóa xuất khẩu từ quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ này. Nhưng cũng vì vậy, ông bị công chúng chỉ trích gay gắt, khơi mào cho cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài đến nay.

Lẽ dĩ nhiên, Nga phản đối thỏa thuận nói trên, đồng thời cũng muốn “né” các biện pháp trừng phạt để tránh những tác động đối với nền kinh tế. Nhưng đến lúc này, dù muốn hay không, Nga cũng phải chấp nhận việc đã để mất Ukraine vào tay EU. Ông Sergey Glazyev, cố vấn kinh tế của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cảnh báo thỏa thuận là một “hành động tự sát” đối với kinh tế Ukraine. Theo ông, Kiev sẽ đối diện với việc giá trị đồng tiền nước này giảm mạnh, lạm phát tăng, mức sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc chính Mỹ đã khuyến khích Ukraine thách thức Mátxcơva và can dự sâu sắc vào công việc của EU. “Các đồng nghiệp Mỹ của chúng tôi vẫn muốn ưu tiên thúc ép giới lãnh đạo Ukraine đi vào con đường đối đầu”, ông Lavrov nói.

Tổng thống Putin từng công khai ủng hộ việc mở rộng lệnh ngừng bắn và thúc đẩy các cuộc đàm phán trực tiếp giữa ông Poroshenko với lực lượng ly khai ở phía đông. Song, phương Tây muốn nhà lãnh đạo Điện Kremlin phải kêu gọi các chiến binh thân Nga hạ vũ khí, từ bỏ quyền kiểm soát các tòa nhà chính quyền mà họ chiếm giữ. Sự ổn định của Ukraine rõ ràng phụ thuộc nhiều vào tiến trình đàm phán giữa Kiev với lực lượng ly khai ở phía đông. Và Ukraine cho rằng, Nga có vai trò rất lớn đối với khu vực phía đông đang đòi ly khai.

Hiện tại, EU đã cấm visa, phong tỏa tài sản của hơn 60 người Nga và Ukraine. Tuy nhiên, EU vẫn chưa “mạnh tay” trừng phạt về kinh tế của Nga mặc dù Mỹ ra sức thúc giục. Bởi lẽ, các nước châu Âu cũng e ngại nền kinh tế đang trong giai đoạn từng bước phục hồi sẽ chịu tác động mạnh mẽ nếu Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt.

Tối hậu thư cho Nga đã được đưa ra nhưng chưa hẳn làm Điện Kremlin lo ngại.

VĨNH AN
 

;
.
.
.
.
.